Chữa hoa mắt chóng mặt bằng 4 bài thuốc bổ khí sinh huyết

Chóng mặt là triệu chứng mà nhiều người có thể gặp phải. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần kết hợp với lối sống và dinh dưỡng khoa học để tránh tái phát bệnh.

Chữa hoa mắt chóng mặt bằng 4 bài thuốc bổ khí sinh huyết
Chóng mặt có nhiều nguyên nhân gây ra.

1. Nguyên nhân gây chóng mặt

Chóng mặt đông y gọi là huyễn vựng. ‘Huyễn’ là hoa mắt, ‘vựng”là chóng mặt. Người mắc có cảm giác chòng chành, mọi vật xoay chuyển, nghiêng ngả không yên, người như muốn ngã… Dân gian thường gọi chung là hoa mắt chóng mặt.

Nhẹ thì bệnh có thể hết ngay khi nhắm mắt, nặng thì kèm thêm buồn nôn, nôn, toát mồ hôi, ngã lăn ra đất…

Nguyên nhân gây chóng mặt:

  • Can dương vốn thịnh, dương khí bốc lên gây chóng mặt.
  • Tình chí uất ức lâu ngày, uất lâu hóa hỏa làm can âm hao tổn, can dương thượng kháng gây chóng mặt.
  • Thận thủy hư không nuôi dưỡng được can mộc, làm can âm hư, can dương thượng kháng gây chóng mặt.
  • Điều trị chóng mặt cần tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể của mỗi người bệnh.

2. 4 bài thuốc trị chóng mặt

Các bài thuốc thường dùng để chữa chóng mặt có tác dụng bổ khí sinh huyết và dưỡng tâm an thần, bổ thận tráng dương, tư âm dưỡng huyết…

– Bài thuốc Lục vị hoàn:

Thục địa hoàng 8 lạng (trong đông y 1 lạng = 31,25g), sơn thù 4 lạng, sơn dược 4 lạng, trạch tả 3 lạng, phục linh 3 lạng, đan bì 3 lạng.

Cách bào chế: Các vị (trừ thục địa) sao giòn tán mịn. Thục địa nghiền tinh và mật chưng trộn đều với bột thuốc hoàn viên.

Công dụng: Tư âm bổ can thận.

Cách dùng: Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20g, uống cách xa bữa ăn.

Chỉ định điều trị: Chữa các chứng thận âm bất túc, lưng đau gối mỏi, đầu váng chóng mặt, tai ù, ra mồ hôi trộm, di tinh. Trẻ em thóp lâu liền hoặc hư hỏa bốc lên gây cốt chưng chiều nhiệt, lòng bàn chân tay nóng, đái tháo đường hoặc hư hỏa gây ra đau răng, họng khô, lưỡi đỏ, mạch tế sác.

4 bài thuốc trị chóng mặt và những lưu ý khi bị chóng mặt - Ảnh 2.
Thục địa – vị thuốc trong bài Lục vị hoàn, Kỷ cúc địa hoàng thang chữa chóng mặt.

Phương giải bài thuốc:

+ Thục địa để tư thận ích tinh tủy.

+ Sơn thù để tư thận ích can.

+ Sơn dược để tư thận bổ tỳ.

Trong bài thuốc, 3 vị thuốc này có tác dụng “Tráng thủy để chế ngự dương quang”, được cho là tam bổ. Mục đích là để bổ thận nên liều lượng thục địa là cao nhất.

+ Trạch tả để tả thận giáng trọc.

+ Đan bì để tả can hỏa.

+ Phục linh để thẩm thấp trợ tỳ.

– Bài thuốc Kỷ cúc địa hoàng thang:

Thục địa 12g, hoài sơn 12g, sơn thù 8g, đan bì 6g, trạch tả 6g, phục linh 8g, kỷ tử 12g, cúc hoa 6g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang với lượng thuốc nước sắc 350ml. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

4 bài thuốc trị chóng mặt và những lưu ý khi bị chóng mặt - Ảnh 3.
Thiên ma trong bài Thiên ma câu đằng ẩm trị chứng chóng mặt.

– Bài thuốc Thiên ma câu đằng ẩm:

Thiên ma 8g, câu đằng 16g, sinh thạch quyết minh 20g, tang ký sinh 12g, đỗ trọng 18g, ngưa tất 12g, sơn chi 12g, hoàng cầm 12g, ích mẫu thảo 12g, chu phục thần 12g, dạ giao đằng 20g.

Cách dùng: Ngày 1 thang sắc nước chia 2 lần uống. Uống khi thuốc còn ấm.

Giải bài thuốc: Thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh bình can dương, tức can phong. Sơn chi, hoàng cầm tiết can hỏa. Tang ký sinh, đỗ trọng, ngưu tất bổ thận âm dưỡng can huyết, lại có tác dụng thông lạc. Dạ giao đằng, chu phục thần dưỡng huyết an thần.

Gia giảm: Thạch quyết minh có thể dùng trân châu mẫu thay thế, tác dụng gần giống nhau. Ích mẫu có thể đổi dùng tiểu kế thảo, tác dụng đều tốt. Chóng mặt nhiều gia hạ khô thảo, bạch tật lê.

4 bài thuốc trị chóng mặt và những lưu ý khi bị chóng mặt - Ảnh 4.
Bạch tật lê trong bài Định huyễn thang trị chóng mặt.

– Bài thuốc Định huyễn thang:

20g bạch tật lê, 20g trạch tả, 16g thiên ma, 16g bán hạ, 12g đạm trúc điệp, 12g phục thần, 12g cát nhân, 30g long cốt (long cốt nên được sắc trước).

Cách dùng: Sắc với nước mỗi ngày 1 thang, chia 2 -3 lần. Uống 5 đến 10 thang liên tiếp.

3. Những lưu ý cho người bị chóng mặt

Cùng với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh chóng mặt cần tự điều chỉnh lối sống lành mạnh:

– Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, không nóng giận, không lo nghĩ, không buồn phiền, không sợ hãi. Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, không làm việc và học tập quá sức.

– Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại đậu. Hạn chế ăn nhiều chất béo, đồ cay nóng như ớt, mỡ động vật, hạt tiêu, đồ xào rán…), các đồ uống kích thích như rượu, bia, hay thuốc lá vì nó làm cho sinh đàm nhiệt.

4 bài thuốc trị chóng mặt và những lưu ý khi bị chóng mặt - Ảnh 5.
Tập thể dục làm giảm tần suất chóng mặt tái phát.

Ngoài ra, cần lưu ý:

– Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột;

– Hạn chế đặt những đồ vật dễ gây vấp ngã trong nhà;

– Ngồi hoặc nằm xuống ngay khi cảm thấy chóng mặt;

– Không lái xe hoặc vận hành máy móc nguy hiểm nếu thường xuyên bị chóng mặt;

– Giảm lượng cà phê, rượu, thuốc lá và muối tiêu thụ vào cơ thể;

– Uống đủ nước, tuân thủ thực đơn ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng, stress;

– Tìm hiểu về các tác dụng phụ của những loại thuốc đang sử dụng và tham vấn ý kiến của bác sĩ;

– Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát và bù chất điện giải.

Nhìn chung, nếu tìm ra nguyên nhân chóng mặt cụ thể thì sẽ có khả năng được điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, trong những trường hợp không tìm ra nguyên nhân hoặc nguyên nhân không xử lý triệt để được dễ bị tái phát cơn chóng mặt.

Do đó, khi cơn chóng mặt xảy ra, người bệnh nên nằm nghỉ ở tư thế thoải mái nhất, tránh đi lại để hạn chế té ngã. Bên cạnh các loại thuốc giúp cải thiện bệnh nhanh hơn, việc sống lành mạnh, tập thể thao và hạn chế stress có thể phần nào làm giảm tần suất tái phát bệnh.

Lưu ý: Hiện nay nhiều người bị chóng mặt dùng thuốc hoạt huyết. Tuy nhiên theo Đông y không dùng các bài thuốc hoạt huyết để chữa chóng mặt.