Trí tri tại cách vật

Đây là một câu nói trong sách Đại học, một cuốn sách dạy đạo tu thân, trị quốc của Nho gia. Cách vật được coi là đầu mối, là yếu tố quyết định việc TU của người xưa. Cách vật là tìm hiểu đến tận ngọn nguồn sự vật từ đó mới có trí sáng suốt, trí tri là sự hiểu biết tột cùng… Cũng xin nói thêm ngày xưa nhà Nho quan niệm học để hiểu biết về hiện tượng như kiểu của khoa học ngày nay dù có cao sâu đến mấy đề gọi là Tiểu học, chỉ cái học phản bổn hoàn nguyên trở về với Đạo, cái uyên nguyên của vũ trụ vạn vật (tựa như nhà Phật trở về với Phật tánh) mới được xem là Đại học. Cách đây hơn năm chục năm về trước trong chương trình giáo dục có môn Cách Trí, tên gọi này bắt nguồn từ Trí Tri Cách Vật, nhưng nghĩa hoàn toàn khác.

Có lẽ các bạn sẽ không hài lòng khi tôi nói chuyện Phật lại hay thêm Nho, Lão vào, nay còn mượn câu chữ trong đó làm nhan đề cho bài viết. Thông thường chúng ta học Phật hay có tâm lý cho Phật cao hơn, xem nhẹ Nho, Lão. Đó cũng là một sự chấp thủ, không cho chúng ta tiếp xúc, học hỏi cái hay ở chỗ khác, khó thoát khỏi sự chi phối của một hệ tư tưởng. Tôi cố tình làm việc này để các bạn cùng thấy rằng con đường đi đến chân lý không chỉ có một, biết mình biết người luôn là một điều hữu ích, giúp nhân loại gần nhau hơn, xóa đi mọi ngăn cách. Cũng có thể xem việc làm này như sự thực tập xóa bỏ định kiến, cởi trói cho tâm mình. Chưa nói đến tư tưởng bên ngoài, hiện nay chỉ nói riêng trong Phật giáo, khi chúng ta đặt nặng công việc tu tập theo Phật pháp dưới hình thức này, chắc chắn sẽ có nhiều người không vừa lòng, nói chúng ta thế tục hóa, làm mất chất thiêng của Đạo, trong chúng ta cũng có thể xuất hiện tư tưởng chê bai, xem thường những người chỉ biết có niềm tin. Họ chỉ biết TIN, nên kỳ thị là chuyện đương nhiên, chúng ta chọn con đường của hành giả lại không vượt thoát được sự trói buộc này mới thực sự đáng trách. Một lý do nữa là tính “kiệm lời” của người xưa, đặc biệt là Lão tử. Ông chỉ viết có mấy ngàn chữ nhưng mỗi câu, mỗi chữ hàm ý rất sâu xa, giảng ra cả ngàn trang cũng không hết, như trường hợp Bát nhã Tâm kinh vậy. Và chẳng có lý do gì chúng ta lại khước từ, không sử dụng những phương tiện thiện xảo như vậy. Chiêm nghiệm cuộc đời sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng nói lời Phật vẫn có thể xuyên tạc ý Phật, nói lời không phải Phật chưa hẳn đã lìa ý Phật. Các bạn chắc cũng không xa lạ gì với những hiện tượng rao giảng Phật Pháp nhưng thực sự lại đang cổ xúy cho Ma pháp rất phổ biến hiện nay. Bây giờ chúng ta sẽ quay trở lại với vấn đề chính.

Nhà Phật gọi Tri kiến thế gian là những hiểu biết thông thường của con người thông qua giác quan và lý trí. Trong phần tìm hiểu về Ngũ uẩn ta đã thấy tiến trình hình thành tri thức lệ thuộc rất nhiều vào những yếu tố chủ quan, khiến ta không thể có cái nhìn chân thực về vạn vật. Cần phải vượt qua nó để tâm chúng ta trực tiếp đến với thực tại, sự hiểu biết lúc ấy được gọi là Tri kiến Phật. Vượt qua không có nghĩa là hủy diệt, triệt tiêu tất cả mọi kiến thức đã có mà chính là không để nó chi phối, điều khiển tâm mình nữa. Định kiến nhân gian làm khởi nên mọi cảm xúc, có thể quy vào hai hướng chính. Thứ nhất, hợp với mình nên thích, nên thương, từ đó gợi sự ham muốn, chiếm đoạt. Tâm Tham ấy điều khiển thân hành động, đó là đầu mối của tranh giành, cướp đoạt, chém giết gây nên bao khổ sở cho nhau. Loài vật chỉ giết hại vì bản năng sinh tồn, ăn no nó sẽ không giết nữa, không có lòng tham như con người. Thứ hai, không hợp với mình nên ghét, ghét nên muốn xa lánh, tẩy chay, giết hại; điều này khiến tâm Sân nảy sinh. Tham Sân kết hợp sẽ dẫn đến tai họa khôn lường. Để Tham, Sân điều khiển cuộc đời mình vì Si, thiếu sự hiểu biết. TU để có cái biết chân thực, cái biết giúp thoát ra khỏi vòng vây của Ngũ Uẩn, không còn khổ đau nữa. Nhà Nho bảo hiểu biết đến tận cùng sự vật (cách vật nhi hậu tri trí) thì sẽ trở thành bậc Đại Trí cũng tương tự ý này. Lão tử bảo: “Cố thường vô dục dĩ quan kỳ Diệu, thường hữu Dục dĩ quan kỳ Kiếu” tức là chỉ có cái tâm vượt qua tham dục mới có thể nhìn thấy chỗ huyền diệu của Đạo, còn cái với tâm tham dục chỉ biết đến cái hình thức cạn cợt bên ngoài mà thôi. Kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” cũng ngụ ý Tâm vô sở trụ là cái tâm không bị vướng mắc vào bất cứ thứ gì. Cả ba vị thầy vĩ đại đều dạy ta phải vượt qua cái hiểu biết hữu hạn của thế gian, cởi trói cho Tâm để đạt tới vô thượng trí, cũng là cảnh giới của sự giác ngộ, giải thoát.

Trong cuốn Nghĩ từ trái tim, BS Đỗ hồng Ngọc đề cập đến chàng Thi sĩ trong thơ Quách Thoại. Tôi xin trích nguyên văn đoạn viết này: “Có lẽ đã đến lúc thử nghe tiếng nói của trái tim. Một hôm, có chàng thi sĩ đi ngang qua vườn rào kia, giật mình thấy một bông bụp đỏ ở bờ giậu, cái bông bụp rất tầm thường như hàng ngày chàng vẫn thấy khi qua lại chốn này, bỗng nhiên như nở một nụ cười mầu nhiệm, rồi không chỉ cười, nó hát, và chàng thi sĩ chỉ còn biết sụp lạy, cúi đầu. Vâng, chàng đã nghe. Nghe không phải từ bông hoa kia mà từ trong trái tim mình. Và chàng sửng sốt. Mọi thứ như khác hẳn. Đã thoát ra, đã vượt ra, vượt qua…”.

Và cũng xin chép lại bài thơ để các bạn đối chiếu:

THƯỢC DƯỢC
Đứng im ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời em ca thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu

Tác giả gọi đó là tiếng nói của trái tim. Đó là một cách nói. Trái tim không biết suy nghĩ. Nghe từ trái tim là không phụ thuộc vào tiến trình Ngũ uẩn. Đứng trên góc độ tu tập tôi gọi đây là sự kỳ diệu xảy ra khi Tâm ta đột nhiên thoát khỏi mọi ràng buộc thông thường của ngũ uẩn, đến được trực tiếp với bông hoa, cảm nhận mọi hương vị nhiệm mầu lúc bình thường không thể có vì đã bị bao nhiêu ngăn cách. Có điều đây chỉ là một phút xuất thần, không có chủ ý, không thể chủ động. Mỗi người chúng ta có thể cũng đã từng trải qua những khoảnh khắc như vậy, nhưng khá lắm cũng chỉ một đôi lần trong đời. Nhưng sự tu tập sẽ giúp chúng ta đạt tới trạng thái này một cách chủ động, thường xuyên và liên tục hơn, và khi đã hoàn toàn thoát khỏi ngũ uẩn thì cõi đời ô trọc này sẽ trở thành Niết-bàn trong mắt hành giả.

Quán niệm hơi thở là một trong những phương pháp giúp cho Tâm thoát khỏi vòng vây ngũ uẩn, tiếp xúc trực tiếp với sự vật. Chúng ta thường nghĩ tu Thiền rất khó, nhưng Sống Thiền còn khó hơn nhiều. Khi tọa thiền chúng ta có điều kiện chọn một không gian yên tĩnh, gạt hết công việc sang một bên, chỉ tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất. Trong cuộc sống, chúng ta cần phải giữ được sự tỉnh thức, rời bỏ mọi áp lực trong khi vẫn tiến hành công việc. Một thiền sinh vào tham vần Thầy, trong đầu tất nhiên nảy sinh muôn vàn sự lo lắng, chỉ mải suy nghĩ miên man đến việc Thầy sẽ hỏi gì, mình có đáp được không, trả lời ra sao, Thầy có đồng ý không… nên quên mất chính mình. Đến khi diện kiến Thầy chỉ hỏi trước khi vào để dép ở đâu, bên phải hay bên trái không trả lời được. Các bạn đừng buồn cười vì đâu phải chỉ vị Thiền sinh này mà tất cả chúng ta đều như thế. Luôn luôn bị chi phối bởi vô vàn vấn đề. Ăn trong im lặng cũng là một trong những thực hành giúp ta trở về với thực tại, thoát ly ngũ uẩn. Khi vừa ăn vừa lo công việc bạn chỉ biết nhai và nuốt, cái đầu còn bận suy nghĩ. Tâm bạn không để ý vào việc ăn nó sẽ không nhận được tín hiệu về mùi vị thức ăn, không phát lệnh cho cơ thể tiến hành quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, nên cơ thể không thu được nhiều lợi ích. Khi phải cố ăn một món không ưa thích, tâm bạn sẽ phản ứng và các cơ ở thực quản, dạ dày sẽ tiến hành co bóp, đẩy thức ăn trở ra ngoài. Những lúc bạn rảnh rỗi, hãy thử tập gạt hết mọi công việc sang một bên, gạt bỏ mọi định kiến về ẩm thực, loại bỏ ý nghĩ món này có hợp hay không với mình, để tâm trí rỗng rang và ăn một cách chậm rãi, nhẹ nhàng, hết sự chú ý vào việc nhai nuốt, bạn sẽ cảm nhận hương vị thơm ngon đến lạ lùng chỉ từ một miếng cơm không. Sự tĩnh tâm trong khi ăn không chỉ giúp ta tận hưởng mọi hương vị tuyệt vời của cuộc sống, nó còn giúp cơ thể hấp thu tốt nhất những thực phẩm được đưa vào. Ăn ít nhưng vẫn đầy đủ chất bổ dưỡng. Cuộc sống người tại gia ít cho chúng ta cơ hội thực hành cách ăn này vì trong bữa cơm gia đình, mọi người thường trò chuyện thân mật với nhau. Dù vậy ta vẫn có thể tạo cơ hội cho mình khi dành ra vài phút riêng tư ăn một miếng bánh, uống một hớp trà…

Bạn cũng có thể thực tập bằng cách giữ tâm trí yên lặng rồi tập trung nhìn vào một bông hoa, một đồ vật nào đó chẳng hạn. Cứ thực tập và bạn sẽ nhận ra bao nhiệm mầu của cuộc sống. Bạn cũng có thể lượm một viên sỏi nhỏ ven đường dùng nó làm đối tượng quán niệm, có khi bạn sẽ thấy cả núi non hùng vĩ nằm trong đó. Cuộc đời còn vô vàn điều kỳ diệu đang chờ dâng hiến cho những ai biết đến với đời, biết trân trọng cuộc đời.

Trong kinh Duy Ma Cật Đức Phật dạy: “Cho nên, Bảo Tích, nếu Bồ tát muốn làm thanh tịnh quốc độ, hãy làm thanh tịnh tự tâm. Tùy theo tâm tịnh mà Phật độ tịnh”.

Lúc bấy giờ Xá-lợi-phất bảo: “ Tôi thấy cõi này nào là gò nỗng, hầm hố, chông gai, toàn đất và đá; cái gì cũng nhơ bẩn”.

Chúng ta cùng nghe lời khai thị của Phạm-thiên: “Là vì tâm của nhân giả có thấp có cao, chưa y theo tuệ của Phật, nên thấy cõi đất này bất tịnh. Xá-lợi-phất, vì Bồ tát bình đẳng với hết thảy chúng sinh, thâm tâm thanh tịnh, nương theo trí tuệ của Phật, nên có thể nhìn thấy cõi Phật này thanh tịnh”.

Các bạn thấy đấy tâm mình bị chi phối bởi kiến thức nhân gian nên luôn cho rằng đất đá là tầm thường, bẩn thỉu, vàng bạc kim cương mới quý cho nên ghê tởm, tránh né tiếp xúc với đất, đam mê châu báu, dẫn đến tranh giành, chiếm đoạt, chịu đau khổ, đày đọa. Tâm thanh tịnh là khi không bị định kiến chi phối nữa, thấy tất cả đều đẹp, đều quý, đất đá cũng đẹp cũng quý, cỏ cây cũng gần gũi thân thương, vậy thế giới này chẳng phải đã biến thành cõi cực lạc hay sao?