Tôi biết rồi – virut nguy hiểm làm bạn ngừng phát triển

Ít nhiều chúng ta đã từng nói “Tôi biết rồi” hoặc từng nghĩ “tôi biết rồi” khi ai đó đang chia sẻ quan điểm, kiến thức của họ. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bản chất, cơ chế và những tác động của bệnh “Tôi biết rồi”:

Bản chất “Tôi biết rồi” là một biểu hiện phản ứng của bản ngã (cái tôi ảo tưởng)

Bản chất “Tôi biết rồi” là một biểu hiện của ngã mạn và sự ảo tưởng về giá trị bản thân

Bản chất, cơ chế vận hành của tâm khi nói “Tôi biết rồi”

Bản chất “Tôi biết rồi” là một biểu hiện phản ứng của bản ngã (cái tôi ảo tưởng), khi chúng ta đồng nhất ta với cái biết, kiến thức, quan điểm, tư tưởng của mình và “xù lông” với những quan điểm, ý kiến của người khác.

Khi ai đó nói một điều gì đó với ta, ta nói với họ rằng “tôi biết cái này rồi” thì vào thời điểm đó có hai điều diễn ra:

  • Điều thứ nhất, người ta không sẵn sàng chia sẻ thêm với mình nữa bởi vì người ta nghĩ mình biết rồi, điều này khiến cho chúng ta không có nguồn thông tin để tiếp nhận.
  • Điều thứ hai, khi nói “tôi biết rồi”, ngay lúc đó, não của chúng ta sẽ đóng lại và không còn nhận thêm thông tin nữa.

Ngay lập tức, nguồn thông tin bị cắt và hệ thống thu nhận thông tin bị đóng. Chúng ta không làm cho mình tốt hơn thời điểm trước được nữa và đó chính là công thức của sự phá hủy.

Khi nói hay nghĩ “Tôi biết rồi”, lúc đó chính là lúc Cái tôi ảo tưởng (Bản ngã) phát cơ chế bảo vệ, hưởng thụ vi tế. Bản ngã giật dây ta đưa đến những quyết định sai lầm, si mê, khi mọi thông tin, mọi quan điểm và góc nhìn khác đã bị chặn lại. Bản ngã lúc bấy giờ luôn thấy cái hiểu của mình hay, tốt, đúng, không nhìn thấy cái hay của người khác

Tác động nguy hiểm của bệnh “Tôi biết rồi”

“Nếu bạn là một cốc nước đầy thì bạn không thể nhận thêm bất kì một giọt nước nào nữa cả. Cũng như bạn không thể tiến bộ nếu bạn luôn giữ trong đầu suy nghĩ “tôi biết rồi”. Việc nói hay nghĩ “Tôi biết rồi” về mặt khoa học sẽ bật chế độ Đóng não, ngăn chặn sự tiếp nhận những thông tin và góc nhìn mới.

  • Tự thui chột bản lĩnh và làm tam độc (tham – sân – si) tăng cường

Nếu ta cứ củng cố cái tôi, cá ta, cái biết thì sẽ mãi đau khổ, sẽ bị cái tôi ảo tưởng nhấn chìm. Bản ngã càng phát triển thì 3 độc: tham – sân – si cũng sẽ lớn dần lên, bản lĩnh sẽ nhỏ dần sinh ra tự ái, tự mạn, tự kiêu, tự tôn

  • Là một câu tác ý làm mất phước và thuận duyên để bậc hiền trí chỉ dẫn, khai minh.
  • Để lỡ những cơ hội, những thông tin quý giá, hữu ích.

Đôi khi chỉ vì “Tôi biết rồi” mà chúng ta tự đưa mình vào “Điểm mù”, không nhận ra góc nhìn mới, đa chiều hoặc thông tin, cơ hội quý giá giúp ta phát triển cũng như nhận ra cách làm chưa hiệu quả, cách nghĩ sai hướng.

Tôi biết rồi là công thức của sự thất bại

Tôi biết rồi là câu thần chú của mọi sự thất bại

Cách trị bệnh “Tôi biết rồi”

Cái tôi ảo tưởng ngã chấp (bản ngã) không dễ gì nhìn thấy được bằng lý trí hay hiểu biết thông thường. Cái tôi này âm thầm sai khiến bạn mọi lúc mọi nơi. Để trị tận gốc bệnh “Tôi biết rồi”, “Tôi biết tuốt”, có một số cách như sau:

Giai đoạn 1: Tỉnh giác nhận biết. Bắt đầu đưa sự tỉnh thức vào từng ý nghĩ và từng câu nói. Đặc biệt ý thức rõ về sự nguy hiểm và tác hại của bệnh “Tôi biết rồi” với bản thân để từ đó có động lực thay đổi mỗi ngày.

Giai đoạn 2: Sử dụng tác ý ngay khi suy nghĩ khởi sinh hoặc chuẩn bị thốt lên lời nói. Câu tác ý bạn có thể tham khảo: Xin cho con biết thua trước tất cả và khiêm hạ học hỏi những điều hay của người xung quanh (Có thể nói trước khi đi ngủ để NLP vào tiềm thức và cũng phù hợp với thời điểm cuối ngày khi xem xét lại bản thân trong 1 ngày qua). Ở giai đoạn này có thể mới đầu sẽ sinh ra sự ức chế tâm, tuy nhiên làm đủ lâu, tự động thói quen suy nghĩ và lời nói sẽ thay đổi. Bản ngã ko có thật, ko phải là vĩnh hằng nên bất cứ sự nỗ lực nào cũng có thể dẫn tới thành quả.

Giai đoạn 3: Phát triển từ tâm. “Muốn diệt trừ bản ngã hãy nhìn vào từ tâm”. Bản chất ta không chấp nhận và đón nhận quan điểm, kiến thức của người khác sâu xa là do ta còn quá yêu cái tôi ảo tưởng, quá yêu quan điểm của mình, và không đủ bao dung để đón nhận, ghi nhận người khác. Phát triển tâm từ bắt đầu với 2 việc nhỏ nhất đó là: Tập ghi nhận, công nhận (không cần phải nói ra, nhưng phải thật chân thành từ trong suy nghĩ) những điểm hay của người khác và can đảm nhận lỗi, nhìn thẳng khuyết điểm, những điểm dở của bản thân.

Bản ngã phù du như khói sương

Thân tâm cát bụi ở ven đường

Một lòng theo Phật tìm vô ngã

Pháp giới chỉ là một khối thương