Tâm bình thản với mọi sự trên đời mới là cảnh giới cao nhất của nhân sinh

Chúng ta đều sống ở nơi hồng trần cuồn cuộn, không thể tự mình tách rời khỏi trời đất và vũ trụ, nhưng chỉ cần giữ một trái tim bình tĩnh, thì dù có vinh hay nhục cũng không khiếp sợ. Tâm luôn giữ bình thản mới là cảnh giới cao nhất của nhân sinh.

Tâm bình thản với mọi sự trên đời mới là cảnh giới cao nhất của nhân sinh

Đầu mùa thu năm 1925, đại sư Hoằng Nhất vì chiến tranh mà lưu lạc đến tận Thất Tháp tự ở Ninh Ba. Một ngày nọ, người bạn của ông là Hạ Miễn Tôn đến thăm, thấy đại sư Hoằng Nhất ăn cơm chỉ có một món dưa muối.

Hạ Miễn Tôn bèn hỏi: “Món dưa muối này không phải quá mặn hay sao?” Đại sư Hoằng Nhất trả lời: “Mặn cũng có hương vị riêng”.

Sau khi ăn cơm, đại sư Hoằng Nhất rót một ly nước trắng để uống. Hạ Miễn Tôn lại hỏi: “Không có trà sao? Sao lại chỉ uống nước sôi nhạt nhẽo thế này?”. Đại sư Hoằng Nhất vừa cười vừa trả lời: “Nước sôi tuy nhạt, nhưng nhạt cũng có hương vị riêng”.

Vạn sự tùy duyên, hết thảy đều thuận theo tự nhiên

Vào tháng phục thiên – tháng mà cái nóng oi bức nhất trong mùa hè, bãi cỏ trong chùa đều héo úa, trông rất khó coi. Tiểu hòa thượng thấy không vừa mắt, liền nói với sư phụ: “Sư phụ, chúng ta mau gieo hạt đi!”. Sư phụ nói: “Không cần phải vội, cứ tùy thời”.

Trời vào thu, sư phụ lại mua về một bao hạt giống, gọi chú tiểu đem bao hạt giống này đi gieo. Không ngờ, một trận gió thổi đến, hạt giống một phần được gió giúp vãi ra khoảng đất, một phần lớn thì bị thổi đi mất.

Tiểu hòa thượng lo lắng nói với sư phụ: “Sư phụ, phân nửa hạt giống bị gió thổi bay đi rồi”. Sư phụ nói: “Không sao, những hạt bị thổi đi cũng chỉ là hạt lép, dù có gieo hạt cũng không nảy mầm được, cứ thuận theo tự nhiên”.

Vừa mới gieo hạt xong, có mấy con chim nhỏ bay đến, ăn sạch hạt ở trong đất. Tiểu hòa thượng vội vàng đuổi lũ chim đi, sau đó báo với sư phụ: “Gay rồi, hạt giống đều bị chim ăn hết!” Sư phụ nói: “Lo cái gì chứ, hạt giống nhiều như vậy, ăn sao hết, cứ thuận theo hoàn cảnh”.

Nửa đêm, có một trận mưa to gió lớn. Tiểu hòa thượng mếu máo đến gặp sư phụ: “Lần này thì xong thật rồi, hạt giống đều bị mưa cuốn trôi rồi”. Sư phụ đáp: “Trồng thì cũng trồng rồi, trồng được bao nhiêu nảy mầm bấy nhiêu, cứ để tùy duyên”.

tùy duyên

Mấy ngày sau, trên nền đất trống đã nhú lên rất nhiều mầm xanh, đến cả những khu đất không gieo hạt cũng có nhiều chồi non mọc lên. Tiểu hòa thượng vui mừng nói: “Sư phụ, người xem này, mầm non mọc ra rồi”. Sư phụ vẫn giữ dáng vẻ điềm tĩnh như trước nói: “Đúng là nên như vậy, nên vui mừng theo mọi thứ đã an bài”.

Sinh ra làm người là để cảm nhận vẻ đẹp của thế gian

Chúng ta thường vì những chuyện vụn vặt trước mắt mà quên mất lý do ban đầu muốn theo đuổi là gì. Trước đây có nghe một vị trưởng lão kể một câu chuyện thế này: Có một thiền sư rất thích trồng hoa lan, bởi vì hoa lan có thể đem đến cho ông sự vui vẻ và an tĩnh.

Có một lần ông ra ngoài đi đây đó, liền giao hoa lan lại cho đồ đệ chăm sóc. Đồ đệ biết đây là vật ưa thích của sư phụ, vậy nên chăm sóc hết sức cẩn thận, hoa lan mọc rất tốt. Nhưng chập tối hôm trước trước khi thiền sư quay về, trời bỗng trút cơn mưa tầm tã, người đồ đệ không kịp bê chậu hoa lan từ ngoài vào trong phòng. Đến lúc người đồ đệ nhớ ra, chậu hoa lan xinh đẹp đã bị mưa gió quật rơi dưới mặt đất.

Nhìn chậu hoa vỡ nát, đồ đệ vô cùng lo lắng, cậu ta không sợ mình bị phạt, cậu sợ sư phụ sẽ tức giận và đau lòng, sư phụ yêu chậu hoa lan này như vậy, chỉ cần rảnh rỗi là tự tay chăm bẵm, vậy mà nó giờ lại thành như thế. Nào ngờ thiền sư sau khi trở về biết chuyện không hề tức giận, cũng không phạt đồ đệ. Ông ta nói với đồ đệ: “Ban đầu ta trồng hoa lan, không phải là để hôm nay nổi giận”.

Đúng vậy, lúc đầu khi chúng ta đến thế giới này, không phải là để tức tối oán giận và thất vọng! Chúng ta đến là để cảm nhận cái đẹp của nhân gian. Thế nhưng bạn và tôi trên thế gian này, ngoài việc làm được mấy chuyện thoát tục ra, liệu có thể cảm nhận cái đẹp của nhân gian không?

Trong sách “Thái căn đàm” viết: “Không quan tâm thiệt hơn, nhàn nhã xem hoa nở hoa tàn trước sân; mặc kệ là đi hay ở, thư thái xem mây cuốn mây trôi trên bầu trời”. Bởi vì “Khi nhạn bay qua đầm nước lạnh, thì bóng nhạn in hình trong đầm nước. Nhưng khi nhạn bay qua rồi, thì nước đầm đâu có lưu giữ hình ảnh nào của nhạn nữa”.

Khi gió thổi vào bụi trúc thưa, gây tiếng xào xạc trong bụi trúc, nhưng khi gió đã đi rồi, thì bụi trúc trở lại hoàn toàn im lặng, chẳng lưu giữ lại một tiếng động nào do gió đã gây ra trước đó. Vì vậy nên khi có việc xảy ra, người quân tử nên tận tình, một khi sự việc đã qua rồi thì cũng đừng nên vương vấn làm gì.

Phúc họa từ đó mà đến, nên thuận theo tự nhiên chớ quá cầu toàn

“Đạo Đức Kinh” viết: “Sủng nhục nhược kinh, quý đại hoạn nhược thân. Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân, cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?” Ý rằng, người đời được vinh hay bị nhục, sợ vạ lớn thì sinh ra rối loạn. Chúng ta sở dĩ sợ vạ lớn là vì ta có cái thân. Nếu ta không có thân, quên mình có thân đi, thì còn sợ gì tai vạ nữa?

Chúng ta đều sống ở nơi hồng trần cuồn cuộn, không thể tự mình tách rời khỏi trời đất và vũ trụ, nhưng chỉ cần giữ một trái tim bình tĩnh, thì dù có vinh hay nhục cũng không khiếp sợ, vậy thì đâu còn họa gì?

Giống như hoa sen, mùa xuân thích sự xanh non của nó: “Lá sen mới nhú như sừng nhọn, có chú chuồn chuồn đến đậu chơi”; mùa hè lại thích sự nồng ấm của nó: “Liền trời sắc lá xanh xanh ngắt, nắng chiếu màu hoa thẫm lạ lùng”; mùa thu thì lại có: “Tàn sen nghe tiếng lạnh lùng mưa rơi”; mùa đông lại chờ mong sự “uy nghi ngay thẳng” của nó.

Cổ nhân có nói: “Xuân có trăm hoa, thu có trăng sáng, hạ có gió lạnh, đông có tuyết trắng, nếu không có chuyện vướng bận trong lòng, đó đều là những mùa đẹp của nhân gian. Nhân sinh là một con đường đơn độc, họa phúc đều do mình mà ra, bớt sân si một vài chuyện, tâm luôn giữ bình thản mới là đạt được cảnh giới cao”.

Tuệ Tâm