Ornithine là gì? Và những điều bạn nên biết về Ornithine

L-Ornithine là một acid amin tự nhiên trong cơ thể con người. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng L-Ornithine có thể giúp gan khỏe mạnh hoặc thậm chí điều trị các bệnh gan. Nó cũng có thể giúp giảm cân, giải độc cơ thể và thúc đẩy tăng trưởng cơ bắp.

Ornithine là gì ?


Ornithine là một nonprotein amino acid. Điều này có nghĩa là chúng không được sử dụng để hình thành protein trong cơ thể. Đây cũng chính là yếu tố khiến ornithine là một loại amino acid khá đặc biệt.

Ornithine ít khi được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung và chúng ta cũng không cần ăn chúng trong chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, loại amino acid này lại rất cần thiết để chúng ta có thể duy trì sự sống.

Nguyên nhân của những điều này là bởi vì cơ thể của chúng ta có thể tự sản xuất ornithine, chứ không bắt buộc phải nạp chúng thông qua chế độ dinh dưỡng (không phải là essential amino acid).

Mặc dù không phải là essential amino acid, thế nhưng ornithine lại rất quan trọng cho sự sống. Bởi vì chúng giúp giải độc ammonia (amoniac) trước khi đào thải chất này ra khỏi cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng…

Nồng độ ammonia cao trong máu có thể gây ra tất cả các loại vấn đề sức khỏe, bao gồm các khuyết tật về nhận thức và thay đổi tính cách. Về bản chất thì ornithine nên được gọi là “L-ornithine” do cấu trúc của chúng.

Các amino acid có cấu trúc phân tử ở cả 2 dạng D-amino acid (ví dụ như D-aspartic acid) và L-amino acid (giống như L-leucine). Tuy nhiên, do dạng D-ornithine không thật sự có trong các loại thực phẩm bổ sung…

Nên đôi khi 2 cách gọi “ornithine” và “L-ornithine” thường được sử dụng thay thế cho nhau. Để hiểu rõ hơn về ornithine cũng như 2 dạng D và L amino acid, thì bạn hãy tham khảo thêm bài viết cấu trúc của amino acid của Thể Hình Vip.

Trong cơ thể chúng ta, ornithine hoạt động cùng với arginine trong một quá trình được gọi là chu trình urê (urea cycle). Đây là một quá trình tuần hoàn mà ở đó, arginine và ornithine luân phiên biến đổi (từ chất này thành chất kia)…

Để làm cân bằng nồng độ urê và amoniac (ammonia). Ornithine không có nhiều vai trò khác được biết đến ngoài điều này, và chúng không được cho là giúp cải thiện lưu thông máu như arginine và citrulline.

Ornithine

Tại sao mọi người bổ sung ornithine ?

Lý do chính khiến mọi người bổ sung ornithine là bởi vì chúng là một loại thực phẩm bổ sung chống mệt mỏi có điều kiện. Tác dụng chống mệt mỏi này được cho là có liên quan đến sự…

Tương tác của ornithine với chu trình urê đã nói ở trên, nơi mà chúng có thể làm giảm nồng độ amoniac (ammonia), một chất được biết là làm tăng cảm giác mệt mỏi khi được tích tụ trong cơ thể với số lượng lớn.

Ngoài ra, cũng có những thông tin tuyên bố rằng, việc bổ sung ornithine có thể làm gia tăng bài tiết hormone tăng trưởng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Vậy, những mục đích sử dụng này liệu có hiệu quả hay không ?

Lợi ích của ornithine

Nhìn chung thì chúng ta chỉ có 1 cách sử dụng thực phẩm bổ sung ornithine mang lại hiệu quả. Thế nhưng, đối với phần nội dung này, chúng ta sẽ đề cập đến một số chủ đề mà mọi người thường bình luận khi nói đến loại amino acid này.

Dưới đây là những lý do khiến mọi người cân nhắc sử dụng thực phẩm bổ sung ornithine, cũng như những thông tin đánh giá về việc liệu ornithine có hoạt động tốt cho mục đích đó hay không.

Ornithine có giúp tăng hormone tăng trưởng ?

Một số thông tin cho rằng, việc bổ sung ornithine sẽ giúp gia tăng nồng độ hormone tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta cần loại bỏ tuyên bố này. Bởi vì mặc dù điều này không sai…

Thế nhưng chúng “hầu như” không được hỗ trợ bởi các nghiên cứu khoa học và cũng có thể bị hiểu nhầm. Chúng ta phải sử dụng từ “hầu như”, bởi vì theo một vài nghiên cứu…

Việc trực tiếp bổ sung ornithine cho chuột thật sự có thể giúp kích thích bài tiết hormone tăng trưởng. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến cấp tính của hormone tăng trưởng không liên quan quá nhiều đến việc dùng thực phẩm bổ sung.

Hay nói theo một cách khác, thì việc bổ sung ornithine dường như không ảnh hưởng nhiều đến hormone tăng trưởng, và không tạo ra sự khác biệt đáng kể so với khi không dùng.

Nguyên nhân của điều này là bởi vì, amino acid ornithine không thể làm tăng mạnh hormone tăng trưởng trong một khoảng thời gian dài. Hormone tăng trưởng là một loại hormone thay đổi thất thường trong ngày.

Vào một số thời điểm thì chúng tăng cao, trong khi vào những lúc khác thì lại hạ xuống mức thấp nhất. Do đó, để nhận được các hiệu quả xây dựng cơ bắp hay giảm mỡ đáng kể từ hormone tăng trưởng…

Thì chúng ta cần duy trì việc tiếp xúc với chúng trong khoảng 24 giờ. Chứ không phải chỉ là một sự thay đổi ngắn hạn (gia tăng đột biến nhất thời). Nếu một sự biến động ngắn hạn…

Là đủ để thay đổi cuộc chơi, thì L-arginine, creatine hoặc thậm chí là melatonin cũng đều có thể trở thành những loại thực phẩm bổ sung giúp tăng cường hormone tăng trưởng.

Nói tóm lại, mặc dù ornithine đã được liên kết với việc gia tăng sự bài tiết hormone tăng trưởng. Tuy nhiên, sự gia tăng hormone này là quá ngắn để chúng ta có thể nhận được các lợi ích liên quan đến xây dựng cơ bắp và giảm mỡ.

Ornithine có giúp chống mệt mỏi ?

Không như khả năng tương tác với hormone tăng trưởng (một tác dụng thiên về giả thuyết nhiều hơn thực tế), khả năng làm giảm mệt mỏi của ornithine thật sự đã được chứng minh bởi các nghiên cứu.

Trong đó một nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy, ornithine giúp làm giảm mệt mỏi trong quá trình tập luyện thể thao (giảm một nửa mức độ cảm giác so với nhóm sử dụng giả dược).

Ngoài ra, một nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng, loại amino acid này giúp làm giảm mệt mỏi đối với những người cảm thấy khó chịu sau một đêm sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia).

Cả 2 tác dụng trên của ornithine đều được giải thích là do khả năng làm giảm nồng độ amoniac (ammonia) trong máu. Bây giờ, trong chu trình urê (urea cycle), ornithine và L-arginine sẽ biến đổi thành nhau…

Cùng với sự giúp đỡ của một vài bước (quá trình) và một số thành phần khác. Nhờ có quá trình này nên ornithine sẽ có thể tạo ra L-citrulline. Trước khi chu trình urê bắt đầu, amoniac sẽ được chuyển hóa thành carbamoyl phosphate.

Sau đó carbamoyl phosphate sẽ liên kết với ornithine và tạo ra citrulline. Tiếp theo, một vài phản ứng xảy ra và citrulline được biến đổi thành arginine. Rồi sau đó, arginine lại biến đổi thành ornithine và urê.

Cứ như thế, vòng tuần hoàn này được lặp lại nhiều lần và chúng được gọi là chu trình urê. Dưới những điều kiện bình thường, cơ thể chúng ta sẽ luôn có đủ ornithine để giữ nồng độ amoniac ở mức hợp lý.

Tuy nhiên, đôi khi amoniac lại được sản xuất quá nhanh, nên ornithine sẽ không có đủ thời gian để chuyển hóa tất cả amoniac thành dạng sản phẩm có lợi đối với cơ thể.

Khi đó, nồng độ amoniac sẽ tăng lên, từ đó gây ra sự tổn thương oxy hóa và làm suy yếu khả năng tạo ra năng lượng của tế bào. Bên cạnh đó, nồng độ amoniac tăng cao thậm chí còn làm suy yếu chức năng của các mô cơ.

Đây chính là lý do giải thích tại sao amoniac có liên quan đến tình trạng mệt mỏi khi tập luyện thể thao. Khi việc bổ sung ornithine giúp giảm cảm giác mệt mỏi trong quá trình tập luyện…

Thì chúng thường xảy ra cùng với sự suy giảm amoniac. Do đó, sẽ hợp lý khi chúng ta kết luận rằng, lý do giúp ornithine làm giảm mệt mỏi là vì chúng làm giảm nồng độ amoniac.

Không chỉ dừng lại ở đó, đây cũng là lý do tại sao ornithine được sử dụng trong một số tình huống lâm sàng, nơi chúng được cung cấp thành công cho những người bị rối loạn chức năng gan nghiêm trọng…

Do sự tích tụ amoniac gây ra. Trong trường hợp này, ornithine sẽ liên kết với amoniac và biến amoniac thành các chất chuyển hóa ít có hại hơn và có năng suất cao hơn.

Từ đó, có thể giúp làm giảm các tác động tiêu cực của tình trạng dư thừa amoniac (ví dụ như mệt mỏi). Và cuối cùng, ornithine cũng đã được nghiên cứu trong lĩnh vực thể thao.

Cụ thể, người ta báo cáo rằng, nồng độ amoniac tăng cao khi tập luyện cường độ cao có thể vượt quá mức rối loạn chức năng gan. Mặc dù không phải ai cũng tập luyện nặng như vậy, tuy nhiên tất cả chúng ta đều có cơ quan nội tạng này.

Ornithine có giúp giảm stress ?

Amoniac (ammonia) có thể tăng lên khi cơ thể ở trong tình trạng căng thẳng mãn tính liên quan đến cả gan và não (vì amoniac có thể làm hỏng tế bào não). Điều này đã dẫn đến các nghiên cứu được thực hiện trên nhân viên văn phòng.

Trong một số nghiên cứu tại Nhật Bản, ornithine đã được chứng minh là giúp giảm cortisol và cải thiện tâm trạng sau khi tiếp xúc với rượu. Và chúng phát huy tác dụng với liều lượng chỉ 400 mg một ngày.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu này cũng rất thú vị. Bởi vì chúng cho thấy sự suy giảm cảm giác tức giận – điều có thể tăng lên khi mọi người làm việc quá sức. Sự cáu gắt là một triệu chứng được biết đến của mức amoniac dư thừa trong não.

Qua những thông tin này, chúng ta có thể kết luận rằng, ornithine dường như cũng có khả năng cải thiện tình trạng mệt mỏi do làm việc quá sức. Đồng thời giúp cải thiện tâm trạng và trạng thái cáu kỉnh.

Ornithine có bổ gan ?

Bệnh não gan (hepatic encephalopathy) là tình trạng bệnh lý về gan, gây ra do nồng độ amoniac dư thừa trong máu và não, ảnh hưởng xấu đến chức năng nhận thức. Theo một góc độ nào đó, thì đây chính là sự biểu hiện độc tính của amoniac.

Phương pháp điều trị bệnh não gan có xu hướng tập trung vào việc làm giảm nồng độ amoniac trong máu. Theo các nghiên cứu, việc truyền L-ornithine dường như có thể làm giảm nồng độ amoniac tuần hoàn.

Trong khi đó, việc bổ sung L-Ornithine-L-Aspartate bằng đường uống ở mức 6g ba lần một ngày (tổng cộng 18g) trong vòng 14 ngày, có thể làm giảm amoniac trong máu ở cả trạng thái sau ăn và nhịn ăn một cách hiệu quả.

Liều lượng sử dụng ornithine

Liều lượng hiệu quả thấp nhất của ornithine đối với những người không hoạt động thể chất, là 400 mg sử dụng ba lần một ngày. Mặt khác, 2 grams ornithine đã cho thấy lợi ích ở các vận động viên khi được tiêu thụ hàng ngày.

Đối với những lợi ích cấp tính, chúng ta không thể chắc chắn liều lượng lý tưởng là bao nhiêu. Các nghiên cứu về loại amino acid này đã sử dụng liều lượng trong khoảng từ 6 đến 12 grams để tìm ra một lợi ích nhất định nào đó.

Ngoài ra, các loại thực phẩm bổ sung thương mại thường khuyến nghị liều lượng từ 0,5 đến 8 grams mỗi ngày và cảnh báo chúng ta không nên dùng nhiều hơn 10 grams mỗi ngày.

Các nghiên cứu lâm sàng đã sử dụng rất nhiều liều lượng cho các mục đích khác nhau. Trong đó, 400 mg mỗi ngày giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Liều lượng 400 mg trong một liều duy nhất sau khi uống rượu và trước khi đi ngủ…

Giúp cải thiện khả năng hồi phục sau say rượu. Liều lượng 2 g mỗi ngày có thể hoặc không thể đẩy nhanh quá trình phục hồi sau tập. Liều lượng 100 mg cho mỗi kg mỗi ngày (7 g / ngày cho một người 70 kg) làm tăng hiệu suất tập luyện kỵ khí.

Liều lượng 170 mg cho mỗi kg mỗi ngày (11,9 g / ngày cho một người 70 kg) làm tăng hormone tăng trưởng. Đây là mức vượt quá giới hạn được khuyến nghị trên bao bì của hầu hết các loại thực phẩm bổ sung.

Hầu hết các nghiên cứu sử dụng ornithine dưới dạng ornithine hydrochloride (ornithine HCl). Và chúng cho thấy hiệu quả khi được tiêu thụ với 1 liều dùng 2-6 g mỗi ngày. Ornithine HCl có chứa 78% ornithine theo trọng lượng.

Do đó, xét theo phạm vi 2-6g, thì liều dùng tương đương cho L-Ornithine L-Aspartate (50% ornithine) sẽ là 3,12-9,36g và liều dùng tương đương cho L-Ornithine α-ketoglutarate (47% ornithine) sẽ là 3,3-10g.

Tác dụng phụ của ornithine

Ornithine có chung các chất vận chuyển đường ruột (transporter) giống như khi bổ sung L-arginine. Do đó, liều lượng lớn ornithine cũng có thể gây ra tình trạng tiêu chảy.

Nguyên nhân của điều này là do chất vận chuyển bị bão hòa. Vì vậy chúng ta không nên sử dụng ornithine với liều lượng quá cao. Giới hạn trên an toàn của liều lượng tiêu thụ dành cho ornithine là từ 4-6 grams (hiếm khi gây ra tác dụng phụ).

Điều này cũng có thể áp dụng cho arginine và các amino acid khác có chung chất vận chuyển (ví dụ như L-cysteine). Nguyên nhân của tình trạng tiêu chảy là do các loại amino acid này gây ra việc sản xuất nitric oxide ở đại tràng (ruột già).

Từ đó, gây kích thích quá trình hấp thu nước ở đại tràng và gây tiêu chảy thẩm thấu. Không chỉ vậy, việc tiêm ornithine vào tĩnh mạch hoặc thông mũi dạ dày với liều lượng 20g hoặc nhiều hơn đã được ghi nhận là có thể gây tiêu chảy.

Có một điều mà chúng ta cần lưu ý là, ornithine chỉ gây tiêu chảy khi được sử dụng với liều lượng quá cao (trên 10g). Nhìn chung thì loại amino acid này được xem là an toàn và dung nạp tốt đối với hầu hết mọi người ở liều dùng thấp.
Tuy nhiên, liều cao của L-ornithine L-aspartate có thể gây buồn nôn, ho, chuột rút hoặc tiêu chảy. Bên cạnh đó, những người bị teo màng mạch và võng mạc nên tránh bổ sung ornithine trong dài hạn, vì chúng có thể gây tổn thương võng mạc.