Những kiến thức cơ bản khi ngâm và dùng rượu thuốc

Dược tửu (rượu thuốc) vốn là một chế phẩm độc đáo của y học cổ truyền mang lại nhiều lợi ích cho sức khẻo con người. Tuy nhiên nếu không hiểu rõ về rượu thuốc mà lạm dụng dùng bừa bãi thì không những “tiền mất” mà còn “tật mang”. Trước khi sử dụng rượu thuốc, bạn hãy chắc chắn rằng đã tìm hiểu những điều cơ bản nhất về nó nhé.

Những kiến thức cơ bản khi ngâm và dùng rượu thuốc
Những kiến thức cơ bản khi ngâm và dùng rượu thuốc

Rượu thuốc là gì?

Rượu thuốc thực chất là tên gọi kép bao gồm rượu và thuốc. Rượu thuốc được bào chế dựa theo nguyên tắc sử dụng rượu làm dung môi để ngâm tẩm những thảo dược hoặc động vật nhằm chiết xuất ra những hợp chất có trong đó để chữa bệnh. Rượu đi vào vùng huyết, có tác dụng dẫn huyết. Khí huyết lưu thông thì bệnh tật được đuổi ra ngoài. Rượu thuốc còn để kích thích tiêu hóa, giúp bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, nâng cao sức khỏe…

Trong thành phần của rượu thuốc có khi chỉ có một vị (rượu đơn) nhưng thường thì có khá nhiều vị được phối hợp với nhau để phát huy cao nhất tác dụng của thuốc (rượu kép). Công lực của dược tửu phụ thuộc vào hai nhân tố là rượu và thuốc.

Việc lựa chọn các vị thuốc khác nhau sẽ tạo ra những loại rượu có tác dụng không giống nhau nhưng vai trò của rượu thì không thể thiếu, bởi lẽ, nói như cổ nhân “rượu đứng đầu trăm thứ thuốc”, “rượu có công dụng tuyên tán dược lực, ôn thông khí huyết, sơ kinh hoạt lạc, có thể đạt tới tứ chi bách hài, ngũ tạng lục phủ”.

Rượu thuốc có từ bao giờ

Những kiến thức cơ bản khi ngâm và dùng rượu thuốc

Trong văn tự giáp cốt (chữ viết trên xương và mai rùa) thời cổ ở Trung Quốc có chép “ngâm thuốc vào rượu”, đó là nói đến loại rượu thuốc có hương vị thơm ngon dùng vào việc cúng tế và chữa bệnh. Hai phương rượu thuốc sớm nhất được ghi trong các y thư cổ là “Kê thỉ lễ” (Nội kinh) và “Hồng lam hoa tửu” (Kim quỹ yếu lược).

Các sách thuốc kinh điển khác như Thương hàn tạp bệnh luận, Trửu hậu bị cấp phương, Thiên kim phương, Thái bình thánh huệ phương, Thánh tễ tổng lục… đều đã đề cập đến rượu thuốc trên mọi phương diện, trong đó đặc biệt là cuốn Bản thảo cương mục đã ghi lại kinh nghiệm sử dụng men rượu, rượu trắng, rượu nho, bã rượu, rượu ủ… trong hầu hết các chuyên khoa lâm sàng như nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, phụ khoa và ngũ quan khoa.

Các loại rượu thuốc

Có đến hàng nghìn phương rượu thuốc. Nếu căn cứ vào số vị thuốc trong phương, có thể chia ra làm hai loại: rượu đơn (độc vị) và rượu kép (đa vị).

Nếu căn cứ vào công dụng, có thể chia ra làm hai loại lớn: rượu bổ và rượu bệnh; hoặc chia ra làm nhiều loại khác nhau như rượu khu phong, rượu kiện tỳ, rượu bổ gân cốt, rượu thanh nhiệt lợi thấp, rượu giải cảm, rượu an thần, rượu bổ huyết, rượu bổ khí, rượu bổ dương, rượu bổ âm…, trong đó:

Rượu bổ âmLà loại rượu dùng cho những người bị bệnh thuộc thể Âm hư hoặc có thể chất thiên về âm hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như người gầy, miệng ráo, họng khô, hay hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, hay mộng mị, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay và bàn chân nóng, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, gò má đỏ, di tinh, ù tai, đại tiện táo, tiểu tiện lượng ít sắc vàng, lưỡi khô đỏ, ít hoặc không có rêu…

Ví dụ: Thần tiên diên thọ tửu, Thiên môn đông tửu, Tang tằm tửu (rượu tằm), Địa hoàng tửu, Địa hoàng thủ ô tửu, Tư âm dưỡng huyết tửu, Hà thủ ô tửu, Kỷ tử tửu, Ô tu tửu (rượu làm đen râu tóc), Bồ đào tửu (rượu nho)… Những người có chứng dương hư không nên dùng loại rượu này.

Rượu bổ dươngCòn gọi là rượu trợ dương, tráng dương hoặc khởi dương, là loại rượu dùng cho người bị bệnh thuộc thể Dương hư hoặc có thể chất thiên về dương hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như hay sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bệch, mệt mỏi như mất sức, dễ đổ mồ hôi, hay có cảm giác khó thở, ngại nói, miệng nhạt, không khát, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng nát, hay bị cảm lạnh, di tinh, liệt dương, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng…

Ví dụ: Minh mạng tửu, Lộc nhung tửu (rượu nhung hươu), Hải cẩu thận tửu, Ba kích tửu, Dâm dương hoắc tửu, Dương cao tửu (rượu thịt dê), Dương thận tửu (rượu cật dê), Trợ dương tửu, Hổ cốt tửu, Cáp giới tửu (rượu tắc kè), Hải mã tửu (rượu cá ngựa)… Những người có chứng âm hư không nên dùng các loại rượu này.

Rượu bổ huyếtLà loại rượu dùng cho những người bị bệnh thuộc thể Huyết hư hoặc có thể chất thiên về huyết hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như sắc mặt nhợt nhạt, hay hoa mắt chóng mặt, tim hồi hộp, mất ngủ, tay chân tê bì, phụ nữ kinh nguyệt không đều, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng… Ví dụ: Tang thầm tửu (rượu dâu), Từ quốc công tiên tửu (rượu long nhãn), Đương quy tửu, Hà thủ ô tửu, Kê huyết đằng tửu, Diên linh tửu, Trú nhan tửu, Nguyên thầm tửu, Từ quốc công tiên tửu…

Rượu bổ khíLà loại rượu dùng cho những người bị bệnh thuộc thể Khí hư hoặc có thể chất thiên về khí hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như tinh thần mỏi mệt, khó thở, ngại nói, sắc mặt trắng nhợt, đầu choáng mắt hoa, hay hồi hộp trống ngực, dễ đổ mồ hôi, ăn kém chậm tiêu, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng…Ví dụ: Nhân sâm tửu, Đẳng sâm tửu, Tây dương sâm tửu, Sâm truật tửu, Hoàng kỳ tửu, Bạch truật tửu, Nhân sâm cố bản tửu, Hoàng tinh tửu…

Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh trạng thường đan xen với nhau nên người ta hay phối hợp các loại rượu để tạo nên công dụng song bổ. Ví như, các loại rượu Ích thọ tửu, Cố bản địa hoàng tửu, Khước lão tửu, Trường xuân tửu, Bổ khí dưỡng huyết tửu, Dưỡng vinh tửu, Sâm quy tửu, Nhân sâm câu kỷ tửu, Diên thọ tửu, Bát trân tửu, Thập toàn đại bổ tửu, Phù nhược tiên phượng tửu… thường là sự kết hợp giữa thuốc bổ âm và bổ dương, hoặc bổ khí và bổ huyết.

Nếu căn cứ vào cách dùng có thể chia ra làm hai loại: rượu uống trong và rượu dùng ngoài…

Rượu ngâm rết dùng để xoa bóp là một loại rượu dùng ngoài khá phổ biến
Rượu ngâm rết dùng để xoa bóp là một loại rượu dùng ngoài khá phổ biến

Để nhập môn dược tửu thành công, ngoài các khái niệm cơ bản, bạn còn phải lắm chắc các nguyên tắc sau

Vì rượu thuốc cũng là dược phẩm nên khi dùng phải tuân thủ nguyên tắc: đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng, không được tùy tiện và thái quá. Nếu để trị bệnh thì trước hết người bệnh phải được thầy thuốc chuyên khoa khám tỉ mỉ và chẩn đoán chính xác, sau đó mới chọn phương và bào chế cho phù hợp. Ví như, cùng là bệnh Dương nuy (liệt dương), nhưng với những người thuộc thể bệnh Âm hư thì loại dược tửu chọn dùng hoàn toàn khác so với thể bệnh Dương hư… Nếu để bồi bổ với mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe thì cũng phải căn cứ vào các đặc điểm của người dùng như tuổi tác, giới tính, thể chất… Nghĩa là, phải xác định được phần nào trong cơ thể bị hư yếu (âm hư, dương hư, khí hư hay huyết hư) và tạng phủ nào cần bồi bổ (tâm, can, tỳ, phế, thận…) để từ đó chọn phương, lựa dược cho thích đáng. Chỉ trên cơ sở chẩn bệnh một cách biện chứng mới có thể lựa chọn và điều chế rượu thuốc phù hợp và có chất lượng; Ngược lại, nếu chẩn bệnh sai thì khi dùng sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể gây hại.

Rượu ngâm đông trùng hạ thảo là một loại rượu bổ uống trong có tác dụng tăng cường sinh lực
Rượu ngâm đông trùng hạ thảo là một loại rượu bổ uống trong có tác dụng tăng cường sinh lực

Đề phòng ngộ độc rượu thuốc

Nhiều người vẫn nghĩ cứ ngâm dược liệu vào rượu thì sẽ nên thuốc. Tuy nhiên, muốn có tác dụng phải hội đủ 2 tiêu chí: rượu tốt và thuốc quý. Một thang thuốc muốn công hiệu phải đúng thành phần và hàm lượng. Với rượu thuốc cũng vậy, nếu ngâm không đúng bài bản khó kiểm soát tình trạng tương tác bất lợi của dược liệu chen chúc trong hũ rượu. Với dược liệu gốc động vật như rắn hổ mang, bìm bịp, dê… càng phải kỹ hơn vì nếu không chế biến đúng cách thì không thể công hiệu, thậm chí còn có thể ngộ độc.

Nhiều người vẫn nghĩ cứ ngâm dược liệu vào rượu thì sẽ nên thuốc.
Nhiều người vẫn nghĩ cứ ngâm dược liệu vào rượu thì sẽ nên thuốc

Thông thường, thời gian ngâm rượu thuốc khoảng 15 – 30 ngày. Thời gian quá dài sẽ ở một mức độ nào đó làm cho ethanol bay hơi, sau khi nồng độ giảm thấp, tác dụng kháng khuẩn sẽ giảm đi, thảo dược có thể sinh ra nấm mốc. Uống phải rượu thuốc biến chất giống như ăn phải thực phẩm nhiễm nấm mốc, sẽ gây ra tổn thương nhất định cho dạ dày, đường ruột và gan. Nếu sau khi uống rượu xong có hiện tượng mặt đỏ, hoa mắt, chóng mặt, nôn ọe, tim đập nhanh quá… thì đó là phản ứng ban đầu của trúng độc, nên nhanh chóng đến bệnh viện.

Rượu thuốc cũng có thể gây ngộ độc, nguyên nhân có thể ngay từ dược liệu đem ngâm đã được phun chất bảo quản như: lưu huỳnh, chì, kẽm, thạch tín, nhôm… Nếu mua thuốc về ngâm rượu ngay thì chất độc khuếch tán rất nhanh, uống vào sẽ bị nhiễm độc. Do nấm mốc phát triển trên dược liệu vì bảo quản không đúng quy cách, chính các độc tố sản sinh từ nấm mốc, nhất là aflatoxin dẫn đến ngộ độc trước mắt, còn lâu dài dẫn đến ung thư gan.

Nguyên nhân khác nữa do phản ứng hóa học trong rượu: rượu là dung môi có thể hòa tan rất nhiều chất có lợi cũng như có hại trong các vị thuốc, trong đó đáng kể là nhóm ancaloit, saponosit ở liều cao gây phá huyết, tanoit gây kích ứng niêm mạc ruột… dễ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh, tuần hoàn và tiêu hóa.

Các tương tác trong thành phần bài thuốc, giữa các chất có trong thuốc, cũng như khi uống rượu thuốc rồi ăn chung với những món ăn dễ xảy ra sự tương kỵ làm người dùng bị phản ứng ngộ độc gây co giật, sốt cao, bứt rứt, tay chân bải hoải, mất kiểm soát ý thức, đau đớn và sưng phù toàn thân.

Ai không nên dùng rượu thuốc?

Dù rượu thuốc có tác dụng và phổ biến nhưng dùng rượu thuốc cũng phải có nguyên tắc nhất định. Việc sử dụng rượu thuốc không hề đơn giản mà rất phức tạp. Nếu dùng không đúng cách rượu thuốc có thể gây ra những tác hại cho sức khỏe người dùng, đặc biệt, với một số người mắc bệnh mạn tính.

Với người tăng huyết áp và người bị bệnh gan, gan nóng thì là không được uống rượu dù dưới hình thức nào, kể cả rượu thuốc. Khi gan đã bị tổn thương thì không đào thải được rượu, càng tích tụ càng làm xơ gan. Khi uống rượu thuốc là đưa thuốc lên não, đồng thời dẫn cả huyết đi, việc đưa huyết lên não này làm huyết áp tăng cao, càng dễ vỡ mạch máu và xuất huyết não, dẫn đến tử vong.

Rượu thuốc cũng như rượu thông thường nếu lạm dụng, uống nhiều và uống thường xuyên sẽ dẫn đến nghiện rượu, gây tác động lên hệ thần kinh, dạ dày, gan…Đặc biệt, có những người không bao giờ được uống rượu như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, dạ dày… Thanh niên, người còn vượng khí, uống rượu thuốc sớm làm tản dương khí dễ làm tổn thương thận khí, vì vậy cũng không nên uống rượu thuốc.

Để an toàn khi uống rượu thuốc cần lưu ý: uống theo hướng dẫn của thầy thuốc. Uống đúng liều lượng, thời gian quy định. Có thể uống 1 ly nhỏ (ly hạt mít) mỗi ngày trong bữa ăn (trước hay sau bữa ăn tùy loại rượu thuốc). Trong nhiều trường hợp cần pha ly rượu thuốc với nước để pha loãng độ cồn và mượn tính kiềm của nước khoáng để dẫn thuốc.

Lời khuyên của thầy thuốc

Không uống rượu ngâm với thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần.
Không uống rượu ngâm với thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần.

Các loại rượu thuốc đều có chỉ định điều trị rõ ràng, uống không đúng chỉ định của thầy thuốc chỉ mang đến tai hại cho người dùng, không nên lạm dụng để uống cho say xỉn. Không nhầm lẫn cách sử dụng, rượu thuốc loại nào để uống, loại nào để dùng bôi bên ngoài. Không nên dùng rượu thuốc thoa lên những vùng da mỏng, nhạy cảm như da mặt, bởi trong rượu có chứa cồn, không tốt cho da, thậm chí có thể dị ứng hay gây phản ứng tại chỗ.