Lễ phép là ‘bằng cấp’ không thể thiếu của mỗi người

Một nhà giáo dục từng nói: Nếu như, ở ngay hiện tại muốn biết rõ 30 năm sau con của bạn là người như thế nào, làm công việc gì và kết hôn với kiểu người nào, đạt được thành tựu gì, thuộc giai tầng nào của xã hội, bạn nên xem kỹ lại cách giáo dục con của mình để phát hiện ra những việc gì bạn làm chưa đủ, những việc nào bạn đã làm quá nhiều?

Lễ phép là ‘bằng cấp’ không thể thiếu của mỗi người

Thời gian trước, trên một trang mạng nước ngoài có đăng tải một câu chuyện kể rằng: Hôm thứ Bảy tuần trước, tôi có ăn cơm cùng với một số người bạn. Trong đó có một cặp vợ chồng dẫn theo một cậu con trai 3 tuổi đi theo. Trong bữa ăn, cậu bé này không lúc nào ngồi yên, luôn chân luôn tay nghịch và quấy. Tôi hỏi người mẹ trẻ: “Có phải hai vợ chồng ít mang con trai theo khi đi ăn bên ngoài không?”

Người mẹ trả lời: “Không phải đâu ạ, nhà em cũng thường xuyên cho con đi ăn cùng ở ngoài đấy ạ!”

Vậy có thể thấy rõ ràng rằng, cậu bé không phải thiếu cơ hội tiếp xúc với bên ngoài mà là thiếu “phép tắc” trên bàn ăn.

Phép tắc trên bàn ăn là đến từ giáo dục gia đình

Có lần tôi tham gia một hoạt động tập thể, có một cậu bé học cấp tiểu học, mỗi lần gắp thức ăn, muốn ăn loại thức ăn nào là cậu lại bê đĩa chuyển về trước mặt mình. Ví dụ, nếu có người đang đưa đũa ra gắp rau thì đã bị cậu bé bê chuyển đĩa rau đi rồi làm cho đôi đũa cứ lơ lửng ở trên không, rất là xấu hổ. Thức ăn thì ít mà người thì lại nhiều, cho nên có người không có thức ăn để ăn với cơm, còn cậu bé thì gắp chồng chất về bát mình, cuối cùng ăn cũng không hết đành phải bỏ đi.

Khi nói chuyện với mẹ cậu bé, mẹ cậu bé kể rất nhiều thành tích về cậu. Cậu bé học tập rất tốt, thành tích các môn đều cao, vóc dáng cao ráo đẹp trai, là lớp trưởng, tuy vậy mẹ cậu bé cũng chưa thấy hài lòng, còn muốn cho cậu bé đi học thêm ở trung tâm bên ngoài.

Chiểu theo phương pháp giáo dục ấy và tính cách của cậu bé thì liệu sau 30 năm nữa cậu bé có thể là người có địa vị, có thành tựu hay không? Chỉ e cha mẹ cậu bé không kịp thời nhận ra thì cậu sẽ bị trượt chân ngay ở hai từ “giáo dưỡng”.

Lễ nghi trên bàn ăn là điều không thể thiếu

Ở giai tầng xã hội càng cao thì càng nhiều phép tắc và xã hội ngày nay cũng như vậy. Cho dù là dân chúng bình thường thì lễ phép cũng là yêu cầu tối thiểu nhất. Một người không có lễ phép, sẽ khiến người khác cảm thấy rất “chướng mắt”.

Giáo dục lễ nghi sở dĩ quan trọng là bởi vì con người có tính xã hội. Chúng ta hàng ngày đều có tiếp xúc, quan hệ với những người xung quanh mình, mà bàn ăn là nơi giao lưu quan trọng để phát triển mối quan hệ giữa người với người.

Khi chúng ta ăn cơm cùng đồng nghiệp, cùng bạn bè, cùng người nhà, trên bàn ăn nói chuyện công việc, chuyện tình cảm, phát triển quan hệ… Lớn thì có quốc yến, nhỏ thì có bữa cơm gia đình, kỳ thực dù muốn hay không thì việc ăn cơm cũng bao hàm rất nhiều ý nghĩa.

Người phương Đông rất coi trọng việc giáo dục lễ nghi đối với con trẻ. Câu nói: “Việc giáo dục trẻ chính thức là trên bàn ăn, hành vi của trẻ trên bàn ăn là thể hiện tố chất của cha mẹ” cũng không phải là nói quá. Bàn ăn là nơi xã giao quan trọng cho nên việc phải giáo dục lễ nghi cho trẻ trên bàn ăn là việc quan trọng. Cha mẹ đừng cho rằng, vì trẻ còn nhỏ nên việc này là chưa cần thiết, đợi đến lúc trẻ lớn lên có thể đi ra ngoài rồi mới giáo dưỡng thì đã là muộn rồi.

Thành tựu và địa vị mà một người đạt được là có quan hệ với rất nhiều nhân tố và giáo dưỡng là một nhân tố tuyệt đối cần phải có. Nếu như trẻ học tập gian khổ trong nhiều năm mới lấy được giấy chứng nhận hay bằng cấp này kia nhưng chỉ vì một bữa ăn mà để lại ấn tượng không tốt thì cơ hội có lẽ cũng sẽ bị mất đi. Khi ấy, với tư cách làm cha mẹ, bạn có cảm thấy hối hận vì cách đây 30 năm đã giáo dục con quá ít hay không? Văn hóa trên bàn ăn sẽ đi theo trẻ cả đời, nên các bậc cha mẹ nhất định phải chú ý đến điều này ngay từ khi con còn nhỏ bé.

Khổng Tử giảng: Dù thế nào cũng phải giữ được lễ

Lễ phép là ‘bằng cấp’ không thể thiếu của mỗi người

Trong xã hội cổ đại, cổ nhân càng coi trọng lễ hơn. Thời xưa, “Lễ” là một phạm trù trong quy chế pháp luật và quy phạm đạo đức. Khi là phạm trù quy chế pháp luật, nó là thể hiện của chế độ chính trị xã hội, là giữ gìn kiến trúc thượng tầng và nghi thức lễ tiết trong kết giao giữa người với người.

Khi là quy phạm đạo đức, “Lễ” là tiêu chuẩn và yêu cầu của hết thảy hành vi của mọi người thuộc các tầng lớp trong xã hội.

Trong hệ thống tư tưởng của Khổng Tử, thì “Lễ” gắn liền với “Nhân”, giữa chúng không có sự tách biệt. Khổng Tử nói: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà?” ý nói, một người mà không có lòng nhân từ thì sao có lễ được?

Khổng Tử chủ trương dùng đức trị quốc: “Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ”, tức là lấy đức dẫn dắt, lấy lễ để ổn định lòng dân, như vậy có thể phá bỏ được giới hạn “lễ không xuống được thường dân”.

Đến thời kỳ Chiến Quốc, Mạnh Tử lại đem “Nhân, nghĩa, lễ, trí” làm quy phạm đạo đức căn bản. Lễ là thể hiện của lòng khiêm tốn và trở thành một trong những đức hạnh được coi trọng của con người. Ông cho rằng, “lễ” là yếu tố khiến cho mỗi một người sang quý hay bần tiện, lớn hay nhỏ có được vị trí thỏa đáng của mình trong xã hội.

Trong tiến trình phát triển của lịch sử, “Lễ” luôn là quy phạm đạo đức, là chuẩn tắc của cuộc sống của con người trong xã hội. Nó có tác dụng vô cùng quan trọng trong việc tu dưỡng đạo đức tinh thần của con người.

Đồng thời, thuận theo sự biến đổi và phát triển của xã hội, “lễ” không ngừng được cấp thêm lên những nội hàm mới, không ngừng phát sinh sự điều chỉnh và biến đổi.

Trong xã hội xưa, “lễ” có tác dụng duy trì hình thái xã hội, trật tự chính trị, củng cố chế độ, điều chỉnh quy phạm và chuẩn tắc về quyền lợi, nghĩa vụ và mối quan hệ xã hội giữa người với người. Lễ đã là một trong những cội nguồn và cũng là một phần trọng yếu hình thành nên thể chế pháp luật thời xưa.

Khổng Tử cả đời dùng kinh thi lễ nhạc để giáo huấn, dạy bảo học trò của mình. Trong “Luận ngữ” có 34 chỗ Khổng Tử luận về lễ. Trong những lời luận của ông, lễ có tầm quan trọng và ảnh hưởng vô cùng to lớn.

Ông cũng cho rằng, trong tu dưỡng của con người và trong trị quốc đều không thể không có “lễ”. “Lễ” cùng với “Nhân, Nghĩa” là trung tâm, là nòng cốt của học thuyết Nho gia.

Dù là thời đại xưa hay thời đại ngày nay, người có “lễ nghĩa”, hiểu biết và tuân thủ “lễ nghĩa” vẫn luôn được coi trọng, được mọi người đề cao. Cho dù có thể họ vì giữ “lễ nghĩa” mà bị thua thiệt một chút nhưng xét cho cùng thì họ đã là người hiểu đạo lý rồi.