Giảo cổ lam: Thảo dược trị ung thư và nhiều bệnh khác

1. Cây giảo cổ lam mọc ở đâu?

Theo các nghiên cứu, giảo cổ lam là loài cây mọc hoang ở những khu rừng thưa, có độ ẩm thấp và khí hậu lạnh như Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, … Tại Việt Nam, giảo cổ lam được tìm thấy nhiều ở vùng núi Fansipan thuộc tỉnh Sa Pa và núi đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình.

Mặc dù loại dược liệu này đã phổ biến tại các quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu với những bài thuốc đặc trị và công dụng thần kỳ, nhưng tại Việt Nam, khi phát hiện, thu hoạch và nghiên cứu, đã cho thấy rằng chất lượng của giảo cổ lam tìm thấy ở nước ta cũng cho chất lượng tương đương với hai loài tìm thấy ở Trung Quốc và Nhật Bản.

2. Đặc điểm của cây giảo cổ lam

Giảo cổ lam là một loại thực vật thân thảo, dây leo, nách lá có các tua cuốn đơn để leo. Lá của cây giảo cổ lam có đặc điểm là lá kép hình chân vịt, lá xòe ra giống các ngón tay trên bàn tay. Mỗi cành có từ 5 – 7 lá, hoặc cũng có khi 9 lá. Bề mặt lá sần sùi, mặt trên của lá có màu xanh lục đậm, mặt dưới có màu nhạt hơn.

Hoa của cây giảo cổ lam mọc thành từng cụm giống cái chùy, gồm nhiều hoa nhỏ có màu trắng, cánh hoa xòe ra và rời nhau như hình sao, có 3 vòi nhụy ở bầu. Quả của cây giảo cổ lam có hình cầu với đường kính khoảng 5 – 9mm, có màu đen khi chín.

Giảo cổ lam được chia làm 3 loại tùy vào đặc điểm của lá:

  • Loại 3 lá: Giảo cổ lam 3 lá thường có 3 lá ở phần to nhất của dây leo và loại này ít được sử dụng, vị nhạt và không thơm bằng các loại còn lại.
  • Loại 5 lá: Giảo cổ lam 5 lá được dùng nhiều nhất vì có tác dụng tốt nhất. Loại này có mùi thơm nhẹ, sau khi phơi khô và dùng uống sẽ thấy vị đắng nhưng về sau sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh.
  • Loại 7 lá: Giảo cổ lam 7 lá cũng gần như 3 lá, nhưng vị đắng và khó uống hơn.

Thành phần

Thành phần chính của giảo cổ lam là flavonoid và saponin. Loại thảo dược này còn chứa các vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe như selen, kẽm, mangan, sắt, phốt pho… Theo nghiên cứu, cây giảo cổ lam 7 lá là loại có chứa nhiều hoạt chất saponin nhất, gấp 3 – 4 lần nhân sâm.

Tính vị

Vị đắng, ngọt, tính hàn.

Quy kinh: Vào kinh can, phế.

3. Giảo cổ lam có tác dụng gì?

Giảo cổ lam là một loại cây mọc hoang ở Trung Quốc. Lá được dùng để làm thuốc. Tác dụng của giảo cổ lam bao gồm:

3.1 Hạ mỡ máu

Giảo cổ lam chứa hơn 100 loại saponin có tác dụng làm giảm cholesterol máu, từ đó giúp ngăn ngừa các bệnh lý do rối loạn mỡ máu gây ra như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành,…

Một nghiên cứu của GS. Phạm Thanh Kỳ đăng trên tạp chí Dược liệu năm 1999 về tác dụng giảm mỡ máu của giảo cổ lam đã kết luận sử dụng loại dược liệu này liên tục trong 30 ngày có khả năng làm giảm cholesterol toàn phần 71% so với nhóm không sử dụng.

Nghiên cứu khác của tác giả Samer Megalli năm 2005 cũng đã có chứng minh tương tự về tác dụng của giảo cổ lam. Nghiên cứu này đưa ra kết quả nhóm đối tượng sau khi sử dụng giảo cổ lam đã giảm lượng triglycerid máu, cholesterol toàn phần và lượng LDL, tác dụng gần như tương đương với atorvastatin.

Giảo cổ lam có tác dụng hạ mỡ máu
Giảo cổ lam có tác dụng hạ mỡ máu

3.2 Cải thiện bệnh tiểu đường

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng và Chuyển hóa Hindawi của Nhật Bản phát hành vào tháng 10 năm 2012 trên 25 bệnh nhân đái tháo đường type 2 chưa dùng thuốc đã chứng minh khả năng kiểm soát đường huyết của giảo cổ lam khi phối hợp với gliclazid.

Kết quả nghiên cứu đã kết luận: nhóm đối tượng được sử dụng bổ sung 6 g giảo cổ lam mỗi ngày trong 8 tuần có cải thiện các chỉ số HbA1C khoảng 2 % và giảm đường máu lúc đói gần 3 mmol/L, nhiều hơn so với những bệnh nhân chỉ được điều trị bằng 30 mg gliclazide.

Một nghiên cứu nhỏ khác được công bố vào tháng 1 năm 2013 được thực hiện trên 16 bệnh nhân tiểu đường mới được chẩn đoán nhằm đánh giá khả năng cải thiện độ nhạy với Insulin của cơ thể. Nghiên cứu thu được kết quả: uống 6 gam trà giảo cổ lam hằng ngày trong 4 tuần đã cải thiện các chỉ số HbA1C, C-peptid, qua đó cải thiện phản ứng của cơ thể với Insulin.

Giảo cổ lam có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Giảo cổ lam có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

3.3 Chống béo phì

Theo một nghiên cứu năm 2021 về ảnh hưởng của chiết xuất giảo cổ lam với các chỉ số cơ thể được tiến hành trên 117 người đàn ông và phụ nữ béo phì, đã kết luận chiết xuất giảo cổ lam có tác dụng chống béo phì.

Những người tham gia nghiên cứu được lựa chọn ngẫu nhiên và cho sử dụng 450 mg chiết xuất giảo cổ lam (bổ sung dưới dạng viên nang) trong 16 tuần. Những người này đã có sự giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể (BMI) và tổng khối lượng chất béo so với nhóm dùng giả dược.[4]

3.4 Giảm căng thẳng

Tác dụng giảm căng thẳng của giảo cổ lam đã được nghiên cứu tại Hàn Quốc trên phạm vi 72 người có tiền sử căng thẳng và lo lắng mãn tính.

Một nửa số người tham gia được chọn ngẫu nhiên để cung cấp 200mg chiết xuất giảo cổ lam 2 lần mỗi ngày trong vòng 8 tuần. Kết quả là họ có tổng điểm trên bảng đánh giá lo âu theo đặc điểm trạng thái (STAI) giảm 17,8% và đặc điểm chính của STAI (T-STAI) giảm 16,8% và có xu hướng cải thiện so với nhóm giả dược.

3.5 Hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ

Giảo cổ lam là một phương pháp điều trị bổ sung hiệu quả cho liệu pháp ăn kiêng ở bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Đã có nghiên cứu thực hiện trên 56 người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu được sử dụng 80ml giảo cổ lam mỗi ngày trong 6 tháng, cho thấy chỉ số BMI, men gan (AST, ALT) và điểm gan nhiễm mỡ giảm đáng kể.

Một nghiên cứu khác chỉ ra chiết xuất của giảo cổ lam có tác dụng ngăn ngừa tích tụ lipid do axit béo tự do và quá trình stress oxy hóa, từ đó làm giảm tình trạng chết tế bào gan nguyên phát trong bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Giảo cổ lam có tác dụng hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ
Giảo cổ lam có tác dụng hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ

3.6 Tác dụng lên tim mạch, huyết áp

Giảo cổ lam có khả năng kích thích cơ thể sản sinh oxit nitric, có tác dụng kiểm soát huyết áp và phòng ngừa các biến chứng tim mạch. Điều này được chứng minh thông qua thử nghiệm lâm sàng của Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) thực hiện trên 223 bệnh nhân huyết áp cao.

Các đối tượng tham gia nghiên cứu được chia làm 3 nhóm ngẫu nhiên và sử dụng giảo cổ lam, nhân sâm và thuốc hạ huyết áp indapamid. Thử nghiệm thu về kết quả chênh lệch đáng kể: nhóm dùng giảo cổ lam giúp giảm chỉ số huyết áp 82%, trong khi nhóm dùng thuốc indapamid giảm 93% còn nhóm dùng nhân sâm chỉ giảm 41%.

Gần đây, GS.TSKH. Trần Văn Sung đã chỉ ra hoạt chất adenosin trong giảo cổ lam 5 lá có tác dụng rất tốt cho hệ tim mạch. Chúng có tác dụng làm ổn định nhịp tim, giảm những cơn đau thắt ngực, tăng khả năng chịu đựng của cơ tim, nhờ đó giúp tăng cường máu lên não, ổn định huyết áp và giúp ngủ ngon hơn.

Giảo cổ lam có tác dụng điều hòa huyết áp
Giảo cổ lam có tác dụng điều hòa huyết áp

3.7 Tác dụng chống khối u

Tạp chí Dược học số 5/2011 đã có bài viết về khả năng ngăn sự hình thành và phát triển khối u của giảo cổ lam qua nghiên cứu của GS.TS Phạm Thanh Kỳ và PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền.

Gypenosid VN 01 – 07 là 7 hoạt chất saponin mới được tìm thấy bởi GS.TS Phạm Thanh Kỳ năm 2012 có trong cây giảo cổ lam Việt Nam. Những hoạt chất này đã được chứng minh có khả năng tiêu diệt mạnh tế bào ung thư, từ đó giúp phòng bệnh bạch cầu, ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tử cung.

Ngoài ra theo cơ sở dữ liệu thông tin thuốc do drugs.com cung cấp, các gypenosid có trong trà giảo cổ lam giúp tăng cường chức năng của tế bào thực bào, tế bào bạch cầu chuyên biệt, ngăn mầm bệnh xâm nhập.

Giảo cổ lam có tác dụng chống khối u và các tế bào ung thư
Giảo cổ lam có tác dụng chống khối u và các tế bào ung thư

4. Liều dùng và cách dùng giảo cổ lam

Bộ phận thường dùng của cây giảo cổ lam là lá và cành non. Mùa hè là thời điểm cây được thu hái nhiều nhất. Sau thu hái, cây được rửa sạch và phơi khô, cành non được cắt thành từng đoạn ngắn khoảng 2 – 3cm để tiếp tục sấy hoặc phơi khô để dành dùng dần. Còn lá thì sau khi phơi khô có thể cắt nhỏ để sử dụng hoặc nghiền bột để làm thành trà túi lọc.

Tùy vào mục đích sử dụng sẽ có cách dùng giảo cổ lam khác nhau, có thể là nấu nước hãm, pha trà hoặc sắc lấy nước uống cùng với các loại dược liệu khác. Tuy nhiên, cách phổ biến nhất là pha trà giảo cổ lam.

  • Cách dùng trà giảo cổ lam: Cho 20g giảo cổ lam đã phơi khô vào ấm và rót nước sôi vào. Có thể uống trà giảo cổ lam thay nước lọc hàng ngày.
  • Cách dùng giảo cổ lam với các loại dược liệu khác: Cho cà gai leo (20g), giảo cổ lam và xạ đen (mỗi loại 30g) vào bình hoặc ấm, sau đó rót vào 1,5 lít nước sôi và ủ trong khoảng 30 phút là có thể dùng được.

5. Các bài thuốc chữa bệnh từ giảo cổ lam

Trong Đông y, họ áp dụng Giảo cổ lam trong các bài thuốc chữa bệnh tiểu đường, mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ… cụ thể:

5.1. Bài thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Nguyên liệu:

  • 40g Giảo cổ lam
  • 20g Cỏ ngọt

Cách thực hiện:

  • Nguyên liệu trên phơi khô, chia thành 3 phần bằng nhau.
  • Cho vào ấm như hãm trà và uống hàng ngày.
  • Không nên sắc 2 vị thuốc trên vì sẽ làm mất hoạt chất và mùi vị.

5.2. Bài thuốc mát gan, điều trị viêm gan virus

Nguyên liệu:

  • 30g Giảo cổ lam
  • 30g Xạ đen
  • 20g Cà gai leo
  • Bình giữ nhiệt

Cách thực hiện:

  • Cho tất cả nguyên liệu vào bình giữ nhiệt, sau đó thêm 1,5l nước sôi.
  • Đậy kín nắp trong 30 phút rồi đem ra sử dụng.

Ngoài ra, bạn có thể sắc các vị thuốc với 1,5l nước trong 20 phút, cho tới khi còn 2/3 lượng nước trong nồi thì dừng lại.

5.3. Bài thuốc hạ mỡ máu, tiểu đường

Nguyên liệu:

  • 25g Thìa canh
  • 25g Giảo cổ lam

Cách thực hiện:

  • Cho 2 vị thuốc trên vào ấm đun cùng 2 lít nước.
  • Đun sôi nhỏ lửa cho tới khi còn 800ml thì dừng lại
  • Nước chia thành 3 phần, uống hết trong ngày.

6. Đối tượng sử dụng giảo cổ làm

Những người nên sử dụng giảo cổ lam:

  • Người bị mỡ máu, tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường
  • Người thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, khó ngủ, đau đầu…
  • Người bị ung thư, u bướu
  • Người bị gan nhiễm mỡ, xơ gan, suy gan…
  • Các đối tượng muốn tăng cường sức đề kháng.

Những người không nên sử dụng cây giảo cổ lam:

  • Phụ nữ đang mang thai
  • Phụ nữ đang cho con bú
  • Trẻ em dưới 6 tuổi
  • Người đang dùng thuốc chống đào thải khi cấy ghép
  • Người bị chứng “hư hàn”: chân tay lạnh, chịu rét kém, hay đổ mồ hôi, mệt mỏi, đuối sức, hơi thở ngắn…

7. Lưu ý khi sử dụng giảo cổ lam

Giảo cổ lam có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, người dùng cần phải uống đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất.

  • Hiện chưa có khuyến nghị cụ thể về liều lượng chuẩn, các chuyên gia khuyên sử dụng 4 – 6 gram trà mỗi ngày, chia hai lần trong ngày và nên uống trước ăn 30 phút.
  • Bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, tăng nhu động ruột hoặc chóng mặt, ù tai.
  • Giảo cổ lam có thể tác động đến hệ thống miễn dịch. Tránh sử dụng loại trà này ở người mắc các bệnh hệ thống như lupus hệ thống, đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp,…
  • Trà giảo cổ lam có thể gây rối loạn quá trình đông máu. Tránh dùng cho người mắc bệnh về máu, đang dùng thuốc chống đông máu hoặc chuẩn bị phẫu thuật.
  • Những người đang sử dụng insulin hoặc các loại thuốc đường huyết khác nên sử dụng trà giảo cổ lam một cách thận trọng tránh nguy cơ hạ đường huyết.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên sử dụng do tính an toàn của loại thảo mộc này chưa được chứng minh đối với nhóm đối tượng này.