“Chịu thiệt” là một loại mỹ đức, một cách tạo phúc báo

Cổ ngữ có câu: “Họa phúc không tự nhiên đến, nó là do con người chiêu mời mà đến. Việc thiện hay việc ác đều có quả báo, như là hình với bóng vậy”. Người xưa tin rằng vì tài vật, lợi ích mà lừa gạt, hãm hại người khác thì chính là đánh mất đi “đức” và “phúc báo” của mình. Vì vậy, những câu chuyện “trọng nghĩa khinh lợi”, chịu thiệt trước lợi ích, suốt chiều dài lịch sử đâu đâu cũng có. 

Chịu thiệt lợi ích được phúc báo

Trong năm Kiến Vũ, Quang Vũ Đế thời Đông Hán có một vị tiến sĩ thái học viện tên là Chân Vũ. Chân Vũ là người An Khâu, Sơn Đông. Ông là người thanh liêm, không tham lam, có tấm lòng trung hậu và khiêm nhường.

Thời ấy, cứ đến cuối năm, Hoàng đế lại hạ chiếu ban thưởng cho các tiến sĩ thái học viện, mỗi người một con dê. Thời xưa, dê là con vật dùng để tế lễ và cũng thể hiện điều may mắn, cát tường.

Nhưng, trong số những con dê ấy lại có con to – con nhỏ, con béo – con gầy khác nhau. Điều này khiến cho vị quan viên chủ quản rất khó xử. Vì không muốn xảy ra tranh giành, nên ông không biết phải phân phát làm sao cho tốt nhất. Cuối cùng, vị quan chủ quản này đành đề xuất biện pháp bốc thăm hoặc giết dê để chia thịt cho đồng đều.

Chứng kiến sự tình ấy, Chân Vũ cảm thấy vô cùng hổ thẹn trong lòng. Ông bước lên trước mọi người và xin nhận con dê nhỏ nhất, gầy nhất. Các vị tiến sĩ chứng kiến cảnh ấy, ai nấy đều xấu hổ và ngẫm lại mình. Cũng kể từ đó về sau, không còn có sự so đo thiệt hơn như thế xảy ra nữa.

Sau khi Quang Vũ Đế biết được sự tình này đã rất khen ngợi Chân Vũ. Một lần, Hoàng đế hỏi các vị quần thần trong triều đình: “Vị tiến sĩ dê gầy hiện tại sống ở đâu?” Thế là, từ đó, Chân Vũ có biệt danh là “tiến sĩ dê gầy”, được cả hoàng đế và dân chúng ca ngợi. Bởi vì, Chân Vũ có tài lại có đức, nên nhanh chóng được cất nhắc lên làm Thái tử thiếu phó.

Khi đứng trước thị phi, lợi ích, nếu có thể cam tâm tình nguyện chịu thiệt, lấy “so đo lợi ích” làm nỗi hổ thẹn thì đó chính là một loại mỹ đức, cũng là một loại tu dưỡng, đồng thời còn là một cách chiêu mời phúc báo. Nhưng điều này chỉ người quân tử có chí hướng cao thượng mới có thể làm được.

Người hiện đại ngày nay, không ít người cho dù chỉ là một chút lợi nhỏ cũng phải tranh giành, khi bị tổn thất một chút lợi ích cũng cảm thấy thống khổ, ấm ức mãi không thôi. So ra, chẳng phải thực sự là cái được chẳng bù nổi cho cái mất sao?

Người nhân hậu không phải người ngốc

Thành Trường An có lưu truyền câu chuyện về một vị danh y tên là Tống Thanh. Ông là người nhân hậu, mua bán thật thà cho nên nổi tiếng gần xa. Hơn nữa, ông chưa từng sai lầm khi bốc thuốc nên mọi người đều tín nhiệm ông. Cũng bởi vì thế mà người đến mua thuốc của ông càng ngày càng đông.

"Chịu thiệt" là một loại mỹ đức, một cách tạo phúc báo

Có những khi gặp người bệnh không có tiền để trả, ông liền nói: “Trị bệnh cứu người là quan trọng hơn cả, tiền khi nào có thì trả cũng được!” Có người nợ ông tiền thuốc cả năm mà chưa thể trả được, nhưng ông cũng không đến đòi. Vì thế, hàng năm, ông đều phải hủy bỏ một số nợ không thể thu hồi được.

Rất nhiều người biết chuyện ấy đều khó hiểu. Tống Thanh lại nói: “Bán thuốc hơn 40 năm, ta đã hủy bỏ nợ không biết là bao nhiêu. Những người này có rất nhiều người không phải là cố tình không trả. Có người sau này làm quan lớn hay giàu có rồi, đã trả nợ và còn tặng ta số tiền gấp bội lần.”

Đối với Tống Thanh mà nói, điều ông trân quý là nhờ chuyện bán thuốc mà xây dựng được biết bao nhiêu tình bằng hữu, thứ có tiền cũng không thể mua được.

Tống Thanh lương thiện, trung hậu, trọng nghĩa khinh lợi, dùng đức quảng giao, cho nên được người đời kính trọng, tin tưởng và ca ngợi. Con cháu nhiều đời sau của ông sống sung túc.

Cổ nhân “trọng nghĩa khinh tài”, tình nguyện “chịu thiệt” thực sự là trái ngược với xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều người vì lợi mà quên nghĩa, vì lợi mà lừa gạt, hãm hại người khác, thậm chí làm thương tổn người khác. Nhưng lại không biết được rằng, điều họ thực sự mất đi chính là “đức” và “phúc báo” của bản thân mình.

An Hòa