Thế giới luôn không ngừng chuyển động với ánh sáng rực rỡ và âm thanh náo nhiệt, vì sao nhiều người lại thích ở một mình, làm bạn với cô đơn? Phải chăng họ có sẵn trong mình một nỗi buồn không thể vượt qua?
Kết nối với xã hội, cộng đồng là nhu cầu chính đáng của con người. Càng trưởng thành, mong muốn xây dựng các mối quan hệ ngày càng lớn. Thế giới quan, niềm tin, sự thấu cảm… đều là những sản phẩm được hình thành trong sự liên kết của chúng ta với cộng đồng. Vì thế, trong thiên kiến xã hội, việc dành thời gian ở một mình thường gắn liền với cảm giác buồn khổ và nỗi cô đơn có thể khiến chúng ta lụi tàn. Thế nhưng, có những người dành cả ngày bên những người khác mà vẫn thấy cô đơn, trong khi có người ở một mình trong nhiều tháng mà vẫn cảm thấy hạnh phúc và hưởng thụ trọn vẹn cuộc sống.
Hãy cùng Dominoshop.vip khám phá bí mật hạnh phúc đằng sau những người thích dành thời gian ở một mình và những đặc điểm nổi bật làm nên con người họ nhé!
Những người thích ở một mình có phải là những tâm hồn cô đơn?
Những người thích sống một mình thường bị mô tả như những cá nhân tách biệt và thiếu liên kết hay chống đối xã hội (anti social). Khi nhắc đến họ, nhiều người lập tức hình dung ra lối sống tự cô lập bản thân, “ẩn dật” quanh năm suốt tháng. Sự lặng lẽ cũng được cho là hệ quả của những biến cố và vấn đề tâm lý.
Trên thực tế, ở một mình là cách thức chữa lành hiệu quả mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần nếu được áp dụng đúng cách. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà văn, nhạc sĩ chọn lui về một không gian yên tĩnh tuyệt đối trong quá trình sáng nên những tác phẩm của họ. Vì vậy, không phải lúc nào sự cô đơn cũng gắn liền với những nỗi buồn và tiêu cực, một số người cảm thấy thoải mái với những khoảng thời gian riêng tư để tạm lánh xa căng thẳng, xô bồ thường nhật, một số người chủ động ở một mình và yêu thích trạng thái này bởi khi đó họ có thể có không gian đối diện với chính mình, kích thích những ý tưởng bùng nổ, suy nghĩ khách quan, bình tĩnh và vững vàng hơn trước các thử thách của cuộc sống. Khi ở một mình là sự lựa chọn, điều đó hoàn toàn khác biệt với sự cô đơn.
Liệu ở một mình là một điều tồi tệ?
Câu trả lời phụ thuộc vào lý do vì sao người đó muốn ở một mình. Nhu cầu kết nối xã hội vốn đã khắc sâu trong nhận thức của con người. Từ cổ chí kim, bị cô lập là một hình phạt khủng khiếp đối với nhiều người. Thế nên, sự xa lánh, từ chối xã hội có thể báo hiệu tình trạng sức khỏe tâm thần đáng lo ngại như lo âu, trầm cảm hoặc lòng tự trọng thấp. Mặt khác, sống một mình có thể là trải nghiệm tuyệt vời khi bạn có thể chấp nhận bản thân và học được cách tìm thấy hạnh phúc nội tại.
Khoa học đã chứng minh ở một mình là một kỹ năng cần thiết trong thế giới hiện đại này. Không gian riêng tư cho phép bạn làm việc hiệu quả hơn, rèn luyện tinh thần mạnh mẽ và bền bỉ, hiểu rõ mình hơn, lên kế hoạch cho cuộc sống rõ ràng hơn… Tuy nhiên, trong bất kỳ vấn đề nào, sự cân bằng cũng là yếu tố quan trọng. Để việc ở một mình không biến thành sự cô đơn, bạn nên tự hỏi rằng mình có thực sự thoải mái với sự cô độc hay không, mình muốn ở một mình vì điều gì và mình cần tĩnh lặng trong bao lâu.
5 kiểu người cô đơn
Khi giao tiếp thông qua mạng xã hội trở nên phổ biến, càng có nhiều người cảm thấy cô đơn hơn. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2021 cho thấy 31% người Mỹ trong độ tuổi từ 16 đến 74 xem mình là người cô độc. Tuy nhiên, trạng thái “cô đơn” thật ra có nhiều biến thể khác nhau.
Người cô đơn tích cực có chủ ý: Đây là những người thích ở một mình vì họ cảm thấy tốt hơn khi được ở không gian riêng tư và yên tĩnh. Họ chủ động tìm đến sự cô đơn để cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của mình.
Người cô đơn có chủ ý tiêu cực: Họ xa lánh mọi người vì những lý do tiêu cực, chẳng hạn như cảm thấy hoài nghi với một số mối quan hệ, không thể thích nghi với môi trường mới… Những đặc điểm tính cách này có thể liên quan đến chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (APD).
Người cô đơn không cố ý: Họ thích giao tiếp xã hội nhưng thiếu các kỹ năng cần thiết để duy trì mối quan hệ tích cực lâu dài với người khác. Họ có cảm giác bị xã hội từ chối và lắp đầy tâm trí bằng những suy nghĩ tiêu cực.
Người cô đơn ngắn hạn: Đôi khi, họ muốn ở một mình để thanh tịnh tâm hồn nhiều biến động. Họ sẽ ngắt kết nối với thế giới trong một khoảng thời gian nhất định để cân bằng lại cuộc sống và xoa dịu tinh thần khi họ cảm thấy kiệt sức.
Người cô đơn dài hạn: Những cá nhân này mong muốn được hòa nhập vào sự sôi động của thế giới nhưng lại bị tách biệt với xã hội trong một thời gian dài vì nhiều lý do. Dù chủ động hay thụ động, ở một mình quá lâu có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần.
12 đặc điểm của một người thích ở một mình
1. Họ là người hướng nội
Nhiều người cho rằng người hướng nội là kẻ yếu thế trong một thế giới náo nhiệt. Trái với định kiến phổ biến này, sự cô đơn của họ có sức mạnh vô cùng to lớn. Những khoảnh khắc ở một mình là thời điểm lý tưởng để họ kết nối với chính mình, tập trung cao độ và để bộ óc sáng tạo thăng hoa. Dù những người hướng ngoại có xu hướng được yêu thích hơn trong xã hội hiện đại, người hướng nội không cảm thấy bị bỏ rơi khi ở một mình mà họ rất thích được tận hưởng sự yên bình và tĩnh lặng ấy. Những khoảnh khắc riêng tư giúp họ nạp lại nguồn năng lượng sau những buổi hẹn hò, xã giao ngoài xã hội, tìm lại sự cân bằng cho cuộc sống bình dị của mình.
2. Họ là những người độc lập
Dù ở một mình hay bên cạnh những người khác, những người thích sự riêng tư luôn có xu hướng tự mình hoàn thành công việc và trân trọng những trải nghiệm cá nhân.
Tính độc lập cao còn thể hiện ở việc họ hoàn toàn tin tưởng vào cách suy nghĩ và những quyết định của chính bản thân họ. Họ sẵn sàng lắng nghe những chia sẻ của bạn với một thái độ chân thành nhưng sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào sự góp ý của bạn. Ý thức tự chủ cũng là yếu tố thúc đẩy họ làm việc năng suất cao mà không cần quá nhiều quy định ràng buộc. Vì tính cách độc lập của những người thích ở một mình, họ có xu hướng làm việc hiệu quả hơn trong những môi trường không có nhiều người xung quanh.
3. Họ làm mọi thứ họ thích một mình
Sự tĩnh lặng của những người thích ở một mình như một “chiếc khiên” có khả năng bảo vệ họ khỏi những phán xét và định kiến. Họ làm những điều bản thân thích mà không lo lắng về việc người khác sẽ suy nghĩ như thế nào. Ngồi đọc sách cả buổi sáng trong căn phòng yên tĩnh, đi dạo trong công viên mà không có ai đi cùng… – những hoạt động dễ khiến người khác cảm thấy ngột ngạt, buồn chán lại là những sở thích của người thích dành thời gian cho bản thân. Họ cũng không ngại ăn tối hay đi xem phim với chính mình và thích “đơn thân độc mã” xử lý vấn đề. Dưới góc nhìn của nhiều người xung quanh, họ thường bị lầm tưởng rằng đang chịu đựng sự cô lập buồn tẻ. Thế nhưng, không gian riêng tư là nơi mà họ có thể tự do tận hưởng những hạnh phúc giản đơn.
4. Họ quý trọng thời gian
Người thích ở một mình hiểu được giá trị thời gian hơn ai hết, họ nhận thức được rằng mình không thể lãng phí thời gian và biết cách sử dụng “tài nguyên” này một cách thông minh. Họ thích ở nhà hoặc một nơi nào đó yên tĩnh để làm những điều mang tính xây dựng cho cuộc sống của họ, chẳng hạn như viết nhật ký để nâng cao nhận thức về bản thân, học những kỹ năng mới hay chỉ đơn giản là dành thời gian nghỉ ngơi.
Bên cạnh việc trân trọng thời gian của mình, họ cũng quan tâm đến thời gian của người khác và sẽ không để bạn phải đợi trong bất kỳ cuộc hẹn nào.
5. Họ tự lực trong mọi việc
Đây cũng là một đặc điểm tích cực của người thích ở một mình. Họ sẽ chọn cách tự xoa dịu tâm trạng của mình hơn là gọi cho một người bạn và tâm sự về những vấn đề mà họ phiền lòng. Thật khó để biết khi nào họ đau buồn vì họ có thể kiểm soát rất tốt cảm xúc của mình. Mặc dù dành phần lớn thời gian ở trong trạng thái tĩnh lặng một mình, nhưng họ luôn có suy nghĩ tích cực để tìm ra cách thức giải quyết vấn đề của mình. Nhờ vậy, họ không dễ dàng bị lệ thuộc vào người khác.
6. Họ suy nghĩ sâu sắc
Đặc điểm tính cách của những người thích ở một mình là thích quan sát mọi thứ từ xa, tập trung lắng nghe và suy nghĩ về những thứ diễn ra xung quanh mình một cách thấu đáo trước khi phát biểu hay hành động. Vì quen với việc ở một mình, quan điểm của họ cũng ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài.
Sự yên tĩnh của những người thích ở một mình thường mang tính “chiến lược”. Như trong một trận đấu cờ vua, nhiều khả năng họ đang suy nghĩ cẩn thận cho những nước đi tiếp theo của mình. Không gian của sự “cô đơn” cho phép họ kết nối với chính mình, biết mình cần phát triển bản thân ở những khía cạnh nào để trở thành phiên bản tốt nhất.
7. Họ thoải mái với những mối quan hệ thân thuộc
“Chất lượng hơn số lượng” là mô tả đúng nhất về vòng quan hệ của những người yêu thích ở một mình. Họ không ngại gặp gỡ và làm quen với nhiều người nhưng chỉ tập trung quan tâm đến vài người thân, bạn bè thân thiết thật sự. Bạn sẽ không thường thấy họ trong các buổi hẹn hò, trà chiều cuối tuần. Họ cảm thấy thoải mái, hài lòng trong không gian riêng và chỉ tham gia vào các hoạt động hội họp, vui chơi khi cần thiết, có thể kể đến các dịp quan trọng như tiệc sinh nhật, đám cưới hoặc lễ tốt nghiệp của ai đó trong vòng kết nối của họ. Họ sẵn sàng tham dự các bữa tiệc để thể hiện tình yêu và sự ủng hộ tới những người thân yêu. Khi cuộc vui kết thúc, họ lại trở về “vùng an toàn” của riêng mình.
8. Họ yêu bản thân
Thường bị hiểu lầm vì “không sôi nổi”, những người thích ở một mình là những người có thể thấu hiểu “đứa trẻ” bên trong họ, tin tưởng bản thân và trân trọng những điều tuy chẳng lớn lao nhưng vô cùng ý nghĩa mà mình làm được. Họ có khả năng tự chữa lành cảm xúc, từ đó thể chấp nhận những sai lầm và hòa giải với những tiếc nuối của bản thân.
Họ dành nhiều thời gian tập trung vào chính mình không thể hiện họ ích kỷ hay tự cho mình là trung tâm. Yêu bản thân là một dấu hiệu của lòng trắc ẩn và những người yêu bản thân thường là những tâm hồn cởi mở, dễ đồng cảm với người khác.
9. Họ tránh xung đột
Những người thích ở một mình quen với sự yên bình, thế nên họ có xu hướng tránh những “thị phi” không đáng có. Họ không thích tham gia bàn luận về người khác và thấy đó là một việc lãng phí thời gian. Vì thế, họ rất kỹ tính trong việc kết bạn. Nếu ai đó trở nên thiếu tôn trọng hoặc xem thường ranh giới của họ, họ sẽ kiên quyết tránh xa các mối quan hệ này.
10. Họ có những ranh giới rõ ràng
Họ nhận thức được rằng xã hội rộng lớn là một phần không thể thiếu trong sự tồn tại của con người. Họ vẫn thích ở bên bạn bè, người thân, trò chuyện với đồng nghiệp hay tham gia các buổi gặp mặt nhiều người. Tuy nhiên, họ có những ranh giới cá nhân giúp bảo vệ bản thân khỏi những người có đặc điểm tính cách độc hại có thể làm đảo lộn sự yên tĩnh của họ.
11. Có khả năng tự nhận thức cao
Trạng thái “cô đơn” tạo ra không gian để họ có thể sắp xếp suy nghĩ, cảm xúc và soi chiếu chính mình. Thực hành tự nhận thức giúp họ tường tận hơn về nội tâm của mình và thế giới xung quanh. Nhờ vậy, họ có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn, thành thật đối diện với quá khứ, tự tin hướng về tương lai và sống một cuộc đời hạnh phúc đúng nghĩa.
12. Họ có thể giữ bình tĩnh tốt
Khả năng giữ bình tĩnh trong nhiều tình huống là đặc điểm nổi bật của những người thích ở một mình. Năng lực này đến từ khả năng phục hồi mà họ phát triển từ việc độc lập và tự chủ. Họ có thể quản lý và điều chỉnh cảm xúc của mình khi đối mặt với thất bại hoặc xung đột. Họ vẫn căng thẳng, choáng ngợp hoặc lo lắng khi một chuyện không may xảy ra đột ngột nhưng thay vì đánh mất bình tĩnh, họ sẽ ngay lập tức suy nghĩ những cách tốt nhất để vượt qua khó khăn.
Cảm thấy thoải mái trong cô đơn không đồng nghĩa với việc ích kỉ hay sai trái. Có một sự thật là những người tìm kiếm niềm vui khi ở một mình thường là một người tử tế và đáng trân trọng. Sống trong một quần thể là tập tính xã hội của con người và “cô đơn” chính là thứ vũ khí vô hình có thể giết chết tâm hồn của một người. Vì vậy những người có khả năng ở một mình chắc hẳn không tầm thường.