12 bài thuốc điều trị kiết lỵ ở trẻ em

Chứng kiết lỵ ở trẻ em hay phát vào mùa hè, thu. Có thể ứng phó với tình trạng này bằng một số bài thuốc Đông y dưới đây…
Nguyên nhân là do cảm nhiễm ngoại tà, thử thấp xâm phạm vào cơ thể nung nấu dương minh phủ làm trường vị tổn thương, chức năng tỳ, vị yếu gây tích trệ, cơ năng chuyển hóa bất bình thường gây ra bệnh.

1.Nguyên nhân sinh bệnh kiết lỵ ở trẻ em

Nguyên nhân:
  • Vi khuẩn Shigella: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây kiết lỵ. Vi khuẩn Shigella lây lan qua đường phân-miệng, có thể từ người sang người hoặc do tiếp xúc với thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm.
  • Ký sinh trùng Entamoeba histolytica: Ký sinh trùng này lây lan qua đường phân-miệng, có thể từ người sang người hoặc do tiếp xúc với thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm.
  • Ngoài ra một nguyên nhân không kém phần quan trọng đối với trẻ em là do chế độ nuôi dưỡng không hợp lý, ăn uống thiếu điều độ, quá nhiều về lượng hoặc chất, ăn thức ăn sống, lạnh, thiếu vệ sinh dịch tà truyền nhập vào trường vị cũng gây tích trệ phát sinh ra lỵ.

Triệu chứng:

  • Tiêu chảy: Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng, có thể lẫn máu và nhầy.
  • Đau bụng: Trẻ có thể bị đau bụng dữ dội, đặc biệt là khi đi ngoài.
  • Sốt: Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao.
  • Mệt mỏi: Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
  • Chán ăn: Trẻ có thể chán ăn, không muốn ăn uống.

Biến chứng:

  • Mất nước: Mất nước là biến chứng nguy hiểm nhất của kiết lỵ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Mất nước có thể dẫn đến suy kiệt, thậm chí tử vong.
  • Suy dinh dưỡng: Trẻ bị kiết lỵ có thể bị suy dinh dưỡng do tiêu chảy và chán ăn.
  • Viêm ruột kết: Viêm ruột kết là biến chứng hiếm gặp nhưng có thể nguy hiểm.

Chẩn đoán:

  • Xét nghiệm phân: Xét nghiệm phân là cách chẩn đoán kiết lỵ chính xác nhất.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra xem trẻ có bị mất nước hay thiếu máu hay không.
12 bài thuốc điều trị kiết lỵ ở trẻ em

2. Bài thuốc Đông y điều trị chứng kiết lỵ ở trẻ em

Bài 1: Giới bạch (củ kiệu) giã sống cho nát, bột gạo tẻ (trần mễ) mỗi thứ một nửa, thêm mật trộn đều nặn thành bánh, đem nướng chín cho trẻ ăn, ngày 2 lần mỗi lần 10-20g, tùy theo tuổi. Hoặc dùng bột thanh đại hòa với nước cơm cho trẻ uống mỗi lần 0,5g – 2g tùy theo tuổi.
Bài 2: Trường hợp trẻ bị bệnh nặng dùng lá ích mẫu non, nấu cháo cho ăn đến khỏi thì thôi. Cũng có thể giã nhỏ, vắt nước cho uống.
Bài 3: Nếu trẻ đi ngoài có ra máu dùng mã sỉ hiện (rau sam) rửa sạch, nghiền nát, giã, vắt lấy nước độ 3 chén, đem đun sôi rồi pha thêm một chén mật ong cho uống.
Bài 4: Sinh địa giã nhỏ, vắt lấy nước mỗi lần cho uống một chén nhỏ ngày 2 lần, điều trị 3-4 ngày. Hoặc có thể dùng địa du sắc đặc rồi cô thành cao cho uống mỗi lần 0,5 – 2g ngày 2-3 lần, tùy theo tuổi.
Bài 5: Lá mơ lông 10g, ngải cứu tươi 10g, củ nâu non (bỏ vỏ ngoài) 30g, vỏ gừng tươi 10g, mề gà đen  2 cái rửa sạch. Các thứ băm nhỏ rồi bọc trong lá môn sáp nướng chín cho trẻ ăn ngày 2 lần, 3-4 ngày sẽ khỏi.
Bài 6: Ý dĩ nhân 30g, đậu xanh 30g, ngải cứu 30g. Ba thứ trên đem giã nát rồi hầm với gà, lấy nước cho trẻ uống mỗi tuần uống 2 lần.
Bài 7: Nếu đi đồng chất nhày ra nhiều cả máu và mũi dùng tang ký sinh 40g, phòng phong, xuyên khung, mỗi thứ 5g, trích thảo 3g, tán thành bột, mỗi lần dùng 5-10g, sắc đặc cho trẻ uống.
Bài 8: Trường hợp đi lỵ ra máu dùng tam thất tán thành bột hòa với nước cơm cho uống ngày 2 lần mỗi lần 1-3g.
Bài 9: Chi tử nhân sao cháy, mỗi lần 1-3g hòa nước uống, ngày hai lần (đi lỵ ra máu).
Bài 10: Nếu trẻ bị kiết lỵ đi ngoài phân trắng đỏ lẫn lộn dùng cam thảo trích 10g, nhục đậu khấu 2 quả, thái nhỏ, sắc đặc cho trẻ uống, ngày 1 thang chia 2-3 lần.
Bài 11: Thân thạch lựu đem nướng vàng rồi tán bột, luyện với nhục đại táo thành viên bằng hạt ngô. Cho trẻ uống 5 10 viên vào lúc đói, ngày 3 lần, chiêu với nước cơm (kiết lỵ đi ngoài phân trắng đỏ lẫn lộn).
Bài 12: Trẻ mắc kiết lỵ khát nước nhiều dùng mạch môn bỏ lõi 8g, ô mai nhục 2-3 quả thái nhỏ, sắc đặc cho trẻ uống. Chia 2-3 lần trong ngày.
DS Phạm Hinh Hội Đông y Việt Nam