Đối diện với mỗi việc lớn cần phải tĩnh khí
Người xưa dạy: “Đối diện với mỗi việc lớn cần phải tĩnh khí”. Từ xưa đến nay, các bậc thánh nhân, hiền nhân, càng là gặp phải những việc lớn kinh thiên động địa, hiểm nguy cận kề, thì càng có thể tĩnh tâm như nước, thấy biến mà không hề sợ hãi. Do đó phàm là người làm được việc lớn thì nhất định phải là người có “tĩnh khí”.
Thế nào được gọi là “tĩnh khí”? Binh gia có câu: “Đạo làm tướng, trước hết phải giữ được tâm, núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc”. Nói đơn giản hơn, “tĩnh khí” chính là có thể bảo trì tâm thái bình thản để đưa ra những quyết định mang tính trọng yếu và chiến lược.
Phì Thủy là một trận chiến lừng danh trong lịch sử Trung Hoa. Quân Đông Tấn chưa đến 10 vạn phải chống cự lại 100 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần, tình thế không thể nói là không nguy kịch. Nhưng lúc hai bên đối đầu, chủ soái Tạ An sau khi ra lệnh điều động binh lực chu toàn thì không một chút hoang mang lo sợ, vẫn ngồi chơi cờ vây.
Đến lúc quân tiền tuyến báo tin chiến thắng về, ông chỉ nhìn thoáng qua rồi lại tiếp tục chơi cờ. Người bên cạnh thực sự đã không thể nhịn được nữa, liền hỏi ông tình hình chiến sự ra sao. Lúc này, Tạ An mới nhẹ nhàng nói: “Là bọn trẻ đã đánh thắng rồi!”.
Bình tâm tĩnh khí sẽ được gì?
Có bình tâm tĩnh khí mới có thể bảo trì trí óc thanh tỉnh, nhìn xa trông rộng, nhìn thấu được cái tinh thâm của trời đất và quy luật của vạn vật. Có bình tâm tĩnh khí mới có thể thực sự không màng danh lợi, an nhiên trước sự sủng ái và không sợ hãi trước sự nhục mạ. Có bình tâm tĩnh khí mới đặt được ý chí ở nơi cao xa, ở chuyện lớn mà không bị thành tích làm cho kiêu ngạo và thất bại làm cho uể oải, chán nản. Dưỡng được điều này, thì khi chúng ta gặp bất kể chuyện gì đều sẽ giữ được tâm không loạn, “cử trọng nhược khinh” , nâng vật nặng mà thật nhẹ nhàng, bình thản và siêu việt chính mình, chính trực để xử thế. Do đó, tĩnh khí là một loại khí chất, một loại tu dưỡng, một loại cảnh giới và cũng được xem là một trong những loại trí tuệ đặc thù.
Làm sao để dưỡng ra được cảnh giới “bình tâm tĩnh khí”? Cảnh giới “Bình tâm tĩnh khí” của một người không phải là sinh ra đã có, nó đòi hỏi sự không ngừng tích lũy và rèn luyện. Sở dĩ một số người vừa gặp việc lớn đã rất hoảng sợ, là vì họ không đủ tự tin, cũng chính là không có năng lực và bản lĩnh kiểm soát, khống chế được việc lớn. Tục ngữ có câu “Thủ trung hữu lương, tâm trung bất hoảng”, ý nói trong tay mà có lương thực rồi thì trong tâm sẽ không lo lắng. Sách của các bậc hiền nhân chính là món ăn tinh thần, thông qua đọc sách, chúng ta có thể hấp thụ kiến thức, trí tuệ của những người đi trước, nâng cao năng lực, vượt qua được hoang mang sợ hãi. Bởi vậy càng là người học rộng, thông thái, có tu dưỡng thì tầm nhìn của họ càng khoáng đạt và suy nghĩ cũng càng thanh tĩnh hơn.
Trong thư gửi cho con trai, Gia Cát Lượng có viết rằng: “Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức. Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi. Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học. Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học. Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính. Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời. Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.
Do đó người không chú trọng “tu thân” “dưỡng đức”, thì cả đời sẽ theo đuổi những thứ phù du như tiền tài danh lợi, thậm chí đến khi về già nhiều người vẫn không thể ngộ ra, vẫn mệt mỏi trong vòng xoáy cuộc đời.
Làm sao để có thể bình tâm tĩnh khí?
Muốn bình tâm tĩnh khí thì cần coi trọng “chính khí”, chỉ có chính khí trong tâm mới có thể không màng danh, không tham muốn, không tư lợi, mới có thể không bị vướng mắc phiền toái, không bị suy nghĩ “tiến hay thoái” quấy rầy và làm được “không quan tâm thiệt hơn”. Người đối với việc lớn mà có thể “lấy tĩnh chế động” thì đối với việc nhỏ lại càng “cầm được thì cũng buông được”. Họ luôn tự đi con đường của mình, không hề động tâm trước lời chê bai, dè bỉu của người khác, bởi vậy họ dễ thành tựu việc làm, lại càng có thể thành tựu cảnh giới và tu dưỡng.
Tuy tĩnh khí nói ra thì dễ dàng nhưng làm được lại rất khó. Con người chứ đâu phải cỏ cây? Ai ai cũng đều có buồn vui, yêu ghét. Trong một hoàn cảnh nào đó, nhất định những cảm xúc tiêu cực sẽ bộc lộ ra, đây là đặc điểm cố hữu của con người. Cũng vì thế, tĩnh khí không thể cưỡng cầu, nó là định lực cần phải thông qua rèn luyện, tu dưỡng mới thành, cho nên cảnh giới của nó có cao có thấp, ở từng người là khác nhau.
Ngày nay trong guồng quay hiện đại gấp gáp, người ta thật khó mà giữ tâm tĩnh lặng, mọi sự đều quá vội vàng, lời nói việc làm đều là “tự thị nhi phi” (tưởng là vậy mà thực ra không phải vậy), vạn sự vạn vật đều thiếu khuyết linh hồn, mất mát lương tri. Quả thật là đáng thương, cũng thật là đáng sợ! Trong hoàn cảnh như vậy, cần bảo trì một nội tâm cao thượng, nhận ra tốt xấu đúng sai, tránh xa cám dỗ, thủ vững lương tri, công chính ngay thẳng, dám làm việc đúng mà không sợ mất mát, vậy thì mới có thể dưỡng ra được cảnh giới “bình tâm tĩnh khí” này.
An Hòa (Cao dược liệu sưu tầm)