Ngải cứu từ lâu đã được biết đến là một loại thảo dược có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Chúng được trồng rất phổ biến trong vườn nhà các gia đình Việt Nam. Đây cũng là cây thuốc nam không thể thiếu trong nhiều bài thuốc dân gian và y học cổ truyền.
Tác dụng của rau ngải cứu với sức khỏe
1. Một số thông tin về cây ngải cứu
Cây ngải cứu vốn là một loại cây cỏ mọc dại ở rất nhiều địa phương phía Bắc Việt Nam. Chúng thường được dùng làm món ăn hàng ngày và xuất hiện trong nhiều bài thuốc dân gian. Ngải cứu còn có tên gọi khác là rau ngải, ngải diệp.
Đặc điểm
Ngải cứu là cây thân cỏ, cây trưởng thành có thể cao từ 0.4 – 1m, thuộc họ cúc. Cây có khả năng sống lâu năm, mọc dại nên nhiều nơi coi là cỏ dại cần diệt trừ. Lá cây màu xanh, mặt dưới có một lớp lông nhung trắng, mọc lo le. Cây có mùi thơm đặc trưng, lá có tinh dầu.
Thành phần
Trong lá cây ngải cứu có hàm lượng tinh dầu tương đối lớn. Thành phần trong đó chủ yếu là monoterpen, tetradecatrilin, dehydromatricaria ester, tricosanol, rachel ancol và một số chất khác. Trong dan gian, cây ngải cứu được dùng rất nhiều trong những bài thuốc chữa các bệnh thông thường. Đặc biệt là tác dụng tốt đối với cầm máu, điều hòa kinh nguyệt, chữa đau đầu, tiêu chảy, chướng bụng,… Ngài cứu được dùng như một loại rau ăn thường ngày của nhiều gia đình và được yêu thích với vị hơi đắng và thơm.
2. Những tác dụng của ngải cứu trong dân gian
Các bài thuốc dân gian cổ truyền chắc chắn không thể thiếu ngải cứu. Đây là loại thảo dược dễ kiếm và được cho là có nhiều tác dụng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh thông thường. Trong đó có thể kể đến các bài thuốc phổ biến có nhiều tác dụng sau:
Chữa bệnh về xương khớp
Nhờ tính ấm nên ngải cứu được dùng phổ biến trong những bài thuốc chữa bệnh về xương khớp. Cây có tác dụng giúp lưu thông khí huyết, tăng cường khả năng lưu thông máu, tốt cho hệ xương khớp, giảm đau, kháng viêm, nhất là đối với những người bị gai cột sống, thấp khớp,… Có thể giã ngải cứu lấy nước cốt pha mật ong để uống hoặc đâm nhuyễn làm thuốc đắp.
Hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt
Với tính ấm, ngài cứu còn được dùng làm bài thuốc hữu hiệu trong việc hỗ trợ làm giảm đau bụng kinh, đau lưng. Chúng cũng là bài thuốc giúp hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt đối với những người có kỳ nguyệt san không đều.
Tác dụng an thai
Trong dân gian, ngải cứu là bài thuốc hữu hiệu hỗ trợ điều trị những trường hợp phụ nữ mang thai dọa sảy, giúp an thai hiệu quả. Đây cũng là bài thuốc áp dụng cho những phụ nữ mắc chứng tử cung lạnh, khó mang thai. Tuy nhiên, bài thuốc này chỉ có tác dụng khi được sử dụng đúng liều lượng và kết hợp với một số loại thảo dược khác để làm tăng dược tính của ngải cứu.
Giúp cầm máu
Thành phần trong ngải cứu có tác dụng tốt giúp cầm máu, kháng viêm, sát khuẩn, giảm đau,… Nhờ thế, đây là bài thuốc hữu hiệu áp dụng cho những trường hợp cần sơ cứu nhanh và khẩn cấp. Nhất là những trường hợp bị thương, đứt chân tay, bị rắn cắn,…
Chữa chứng suy nhược cơ thể
Ngải cứu trong dân gian được biết đến là một bài thuốc bổ vô cùng hữu hiệu. Lá của cây kết hợp với hạt sen, táo đỏ, dùng để hầm gà ác là món ăn đại bổ giúp khai thông khí huyết, trị chứng chán ăn, suy nhược cơ thể ở những người mới ốm dậy, bệnh lâu ngày.
Chữa mẩn ngứa, nổi mề đay
Trong tinh dầu ngải cứu có thành phần chống viêm, kháng khuẩn rất tốt nên được dùng làm bài thuốc hữu hiệu có tác dụng chữa mẩn ngứa, mề đay, mụn nhọt,… Ngải cứu tươi có thể đâm nhuyễn đắp trực tiếp lên vết mẩn ngứa hoặc mụn nhọt giúp kháng viêm hiệu quả tốt. Hoặc dùng đun lấy nước tắm chữa rôm sảy, mề đay.
Giúp máu lưu thông
Với những người thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt do máu lưu thông kém cũng được khuyên nên sử dụng ngải cứu. Lá ngải có thể dùng làm thức ăn hàng ngày, dùng nấu canh, rán trứng để ăn hàng tuần sẽ cải thiện khả năng tuần hoàn máu não.
Chữa bệnh đường hô hấp trên
Ngải cứu còn được dùng kết hợp với một số loại thảo dược khác như: lá bưởi, khuynh diệp,… để chứa các chứng cảm mạo, ho khan, đau họng,… Dùng đun nước uống hoặc xông ngải đều rất tốt với những trường hợp này.
Ngoài ra, ngải cứu còn có rất nhiều tác dụng khác như: chữa tụt huyết áp, chữa bệnh giun sán, cải thiện lưu thông máu,… Đây còn được coi là một loại thực phẩm bổ dưỡng, ngon miệng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, tốt cho sức khỏe, được nhiều người yêu thích.
Những người không nên ăn ngải cứu
Người bị rối loạn đường ruột cấp tính
Ngải cứu là vị thuốc giúp lợi tiểu và nhuận tràng hiệu quả. Song chính tác dụng này sẽ gây bất lợi cho người mắc bệnh rối loạn đường ruột, khiến bệnh trở nên nặng và khó kiểm soát hơn. Ngoài ra những người bị sỏi thận cũng được khuyến cáo nên tránh xa rau ngải cứu.
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu
Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên dùng bất kỳ dược liệu nào, đặc biệt là rau ngải cứu. Lý do là vì ngải cứu có nhiều hàm lượng dẫn đến co bóp tử cung, nếu ăn nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ làm mẹ bầu sảy thai.
Với một số mẹ bầu có cơ địa nhạy cảm hoặc máu nóng thì cũng nên tránh xa ngải cứu trong 3 tháng đầu để tránh tình trạng bị co bóp tử cung, ra máu nhiều.
Người mắc bệnh viêm gan
Trong ngải cứu có loại tinh dầu dễ bay hơi. Tinh dầu trong cây ngải cứu tác dụng chữa bệnh nhưng cũng có độc tính. Chất này sẽ đi vào gan và làm rối loạn chuyển hoá tế bào gan, gây viêm gan cấp tính do trúng độc, viêm gan vàng da, làm gan to, nước tiểu đục… Nếu người bị viêm gan thường xuyên ăn ngải cứu thì tình trạng bệnh sẽ trở nên nặng hơn, nhiều biến chứng nguy hiểm.
Vì dược tính cao nên ngải cứu cũng có nhiều tác dụng phụ. Các chuyên gia khuyến cáo không chỉ ba nhóm người bệnh kể trên mà người bình thường cũng không nên ăn rau ngải cứu thường xuyên, chỉ nên ăn từ 1-2 lần/ tuần. Nếu dùng ngải cứu quá nhiều có thể gây ra ngộ độc, thậm chí gây ảnh hưởng cho hệ thần kinh, dẫn đến co giật, tê liệt… Đối với người bình thường, ngải cứu cũng không nên dùng để sắc nước, thay thế cho trà xanh sẽ gây phản tác dụng cho sức khoẻ.
Trên đây là những người không nên ăn ngải cứu. Nếu bạn thuộc nhóm này thì tuyệt đối tránh xa loại rau này nhé.