Chúng ta đã quá quen thuộc với tên gọi Omega-3, DHA thông qua các chương trình truyền thông, quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không thực sự phân biệt được Omega-3, DHA, EPA và không biết rằng Omega-3 chính là“mẹ ruột” của DHA và EPA. Vậy Omega-3 là gì? Tại sao bổ sung Omega-3 không đồng nghĩa với việc bổ sung DHA/EPA?
Omega-3 có nhiều trong các loại cá Hồi, cá Thu, cá Ngừ
Omega-3 là gì?
Omega-3 là một nhóm các axit béo chưa no có nhiều nối đôi, và nối đôi cần nhất ở vị trí Carbon thứ 3, mà cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được, phải bổ sung hoàn toàn từ thực phẩm. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit béo Omega-3 có nhiều trong các loại cá ở vùng biển lạnh và sâu như cá Ngừ, cá Hồi, cá Thu. Chất lỏng lấy từ các loại cá này ở nước ta quen gọi là dầu gan cá hay dầu cá. Tuy nhiên dầu gan cá ngoài Omega-3 còn chứ nhiều Vitamin A, không được khuyến khích bổ sung cho bà bầu vì nguy cơ dư thừa Vitamin A có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
DHA và EPA là hai loại Omega-3 khác nhau. DHA (viết tắt của Docosahexaenoic acid) là axit béo không no chuỗi dài có 22 carbon và chứa 6 nối đôi, còn EPA (viết tắt của Eicosapentaenoic acid) là axit béo không no chuỗi dài có 20 carbon và chứa 5 nối đôi. Hai loại DHA, EPA được gọi là Omega-3 chuỗi dài. Thuộc nhóm Omega-3 còn có axit béo Alpha-Linolenic acid (ALA), có nhiều trong các loại dầu thực vật, gọi là Omega-3 chuỗi ngắn. ALA mặc dù cũng có lợi ích cho sức khỏe, nhưng lợi ích có được của ALA là do chuyển hóa từ ALA thành DHA khi vào trong cơ thể cho nên phải sử dụng rất nhiều ALA để có cùng tác dụng cho cơ thể giống như lượng nhỏ DHA.
Trong cơ thể, EPA được xem là axit béo thiết yếu sẽ chuyển hóa thành các chất sinh học quan trọng như Prostaglandin, Leucotrien. Còn DHA là nguyên liệu thiết yếu để hình thành lên tế bào não, màng tế bào thần kinh và tới 93% tế bào võng mạc.
DHA là gì?
DHA là tên viết tắt của Docosahexaenoic acid, một acid béo không no chuỗi dài thuộc nhóm Omega-3. DHA chiếm tới 1/4 lượng chất béo trong não, chiếm tỉ lệ rất cao trong chất xám của não và võng mạc, nằm trong thành phần cấu trúc của màng tế bào thần kinh, nên người ta còn gọi DHA là “gạch xây cho não”.
DHA tạo ra sự độ nhạy của các nơ-ron thần kinh, tăng sự đàn hồi của tế bào não, màng tế bào thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác. DHA cần thiết cho việc hình thành các nơ-ron thần kinh, vận chuyển Glucose, “thức ăn chủ yếu” của não bộ. DHA còn cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, sự phát triển hoàn hảo của hệ thần kinh, 93% tế bào võng mạc có thành phần là DHA.
Với phụ nữ mang thai, nhiều nghiên cứu hệ thống quy mô lớn trong nhiều năm thấy rằng, bà bầu được bổ sung DHA sẽ giúp phòng tránh các bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai như Tiền sản giật, Đái tháo đường thai kỳ, Trầm cảm sau sinh… Sức đề kháng và hoạt động tim mạch của bà bầu cũng tăng lên khi được bổ sung đầy đủ DHA trong thời gian mang bầu.
Với người lớn, DHA có tác dụng bảo vệ tim mạch do làm giảm Cholesterol và Triglycerid máu. DHA liều cao còn có khả năng ức chế và tiêu diệt tế bào ung thư trên thực nghiệm. Tuy nhiên những người thường xuyên uống rượu, bia thì chất cồn sẽ làm giảm hấp thụ DHA nên những người này có thể sẽ bị suy thoái tế bào thần kinh, sa sút trí tuệ sớm hơn người bình thường.
EPA là gì?
EPA là tên viết tắt của Eicosapentaenoic acid. Tương tự DHA, EPA cũng là một acid béo chuỗi dài thuộc nhóm acid béo Omega-3.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác dụng chủ yếu của EPA là giúp tạo ra Prostagladin trong máu có tác dụng ức chế sự đông vón tiểu cầu, giảm và phòng ngừa hình thành huyết khối, đồng thời có thể giảm bớt lượng Cholesterol, giảm bớt Triglyceride trong máu làm giảm độ nhớt dính của máu, giữ cho tuần hoàn được thông thoáng. EPA cũng có tác dụng chống viêm mạnh và được sử dụng trên thực tế như một loại thực phẩm vàng để chống viêm.
Ngoài ra, EPA còn tác dụng làm giảm tình trạng xơ vữa động mạch. Vì vậy EPA có tác dụng tốt đối với việc phòng ngừa và chữa trị các bệnh tim mạch do xơ vữa mạch.
Bổ sung DHA và EPA như thế nào?
Với trẻ nhỏ và phụ nữ có thai
Vì DHA cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt cho hệ thần kinh, cho nên trẻ em ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang được khuyến cáo bổ sung DHA trong thực đơn hàng ngày. Theo khuyến cáo gần đây về lượng DHA hàng ngày đầy đủ của ANSES – Cục An toàn thực phẩm Pháp (năm 2010)
- Trẻ 0 – 6 tháng: 0.32% tổng lượng acid béo.
- Trẻ 6 – 12 tháng: 70 mg/ngày.
- Trẻ 1 – 3 tuổi: 70 mg/ngày.
- Trẻ 3 – 9 tuổi: 125 mg/ngày.
- Phụ nữ có thai và cho con bú: 200 mg/ngày.
Tuy nhiên, bên cạnh hàm lượng DHA cần thiết, cơ thể phụ nữ mang thai và cho con bú cũng cần được cung cấp thêm các dưỡng chất quan trọng khác như axit folic, Kẽm, Iốt, Sắt, Vitamin B6 & B12, và nhiều chất dinh dưỡng khác, để giúp trẻ phát triển thể chất và thần kinh toàn diện.
Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú và trẻ nhỏ, tỷ lệ DHA/EPA sử dụng cần thiết phải nằm trong khoảng 4/1 để phát huy tác dụng phát hiện hệ thần kinh và thị giác, tăng cường khả năng thụ thai, tăng cường miễn dịch và chống các bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai. Lượng DHA không được thấp hơn EPA. Tỷ lệ DHA/EPA xấp xỉ 4/1 được gọi là “tỷ lệ vàng” vì đây là tỷ lệ chính xác của DHA/EPA trong sữa mẹ. Trong tự nhiên, loại Omega-3 được chiết xuất từ dầu cá ngừ đại dương, đủ độ tuổi, theo quy trình nghiêm ngặt mới đạt được “tỷ lệ vàng” DHA/EPA, điều đó tạo ra sự chênh lệch rất lớn về giá thành của các loại Omega-3 trên thị trường.
Trên thực tế, chúng ta cũng thấy Omega-3 chứa DHA và EPA được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch, viêm khớp vì chúng có những lợi ích thiết thực, an toàn cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với loại Omega-3 dùng cho trường hợp đó thì hàm lượng EPA lại cao hơn DHA, làm cho công thức bổ sung hoàn toàn khác so với công thức bổ sung cho phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ nhỏ. Các bà mẹ khi lựa chọn loại Omega-3 bổ sung cần phải chú ý điểm này để tránh lựa chọn nhầm.
Với người lớn tuổi
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), đối với người lớn không có tiền sử mắc bệnh tim mạch thì có thể ăn cá béo với tần suất 2lần/tuần, ngoài ra có thể bổ sung các loại thực phẩm khác như hạt lanh và các loại thực phẩm dạng hạt cũng có lợi ích với sức khỏe.
Những lưu ý khi bổ sung Omega-3 khi mang thai
Axit béo Omega-3 rất dễ bị oxy hóa dưới ảnh hưởng của nhiệt độ, oxy và ánh sáng mặt trời. Vì vậy, chúng ta không nên dùng dầu Omega-3 để nấu ăn, để sản phẩm trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, để gần nguồn nhiệt và nên sử dụng trong vòng vài tuần sau khi mua về.
Nhiều nhà sản xuất phải tìm các công nghệ đặc biệt bào chế, chiết xuất dầu, làm giàu dầu cá để đạt được hàm lượng Omega-3, tỷ lệ DHA/EPA mong muốn, tăng khả năng bảo quản. Đây là điều khó khăn nhất trong công đoạn sản xuất dầu cá.
Một công thức DHA/EPA tốt là công thức có ghi rõ hàm lượng DHA/EPA, thành phần dầu cá trong công thức phải đạt tiêu chuẩn GEOD, GMP. Lý tưởng nhất là các viên bổ sung đăng ký dạng thuốc vì các thành phần của thuốc đều phải đạt GMP, theo các tiêu chuẩn khắt khe của việc sản xuất dược phẩm tại nước sản xuất.
Bổ sung Omega-3 không đồng nghĩa với bổ sung DHA/EPA bởi chất lượng các sản phẩm Omega 3 trên thị trường khác nhau rất nhiều. Các bà mẹ cần phải lưu ý lựa chọn đúng loại Omega-3 có chứa DHA, EPA theo “tỷ lệ vàng” DHA/EPA ~4/1 để giúp trẻ phát triển tối ưu ngay từ trong bụng mẹ và giúp bà bầu giảm nguy cơ mắc các bệnh thường gặp trong thai kỳ như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, trầm cảm sau sinh, các bệnh lý miễn dịch khác…