4 tác hại khi ăn rau răm ít người biết

Rau răm là loại gia vị quen thuộc của nhiều gia đình Việt, tuy tốt nhưng rau răm cũng có những tác hại nếu dùng sai cách. Dưới đây là những tác hại của rau răm ít người biết.

Những tác hại của rau răm

Tổng quan về rau răm

Rau răm là cây thân thảo sống lâu năm, sinh trưởng tốt ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong điều kiện nóng ẩm. Lá và thân non được sử dụng rộng rãi và rất đặc trưng trong ẩm thực của Việt Nam.

Rau răm, tên khoa học là Persicaria odorata. Ngoài ra, nó còn có tên gọi khác, theo tiếng Malaysia là Daun kesum hay Daun lak, theo tiếng Trung Quốc là Lặc sa diệp…

Thành phần hóa học chính: Trong tinh dầu của rau răm người ta tìm thấy các aldehyd chuỗi dài như decanal (28%), dodecanal (44%), decanol (11%). Các sesquiterpene (α-humulene, β-caryophyllene) chiếm khoảng 15% trong tinh dầu.

Tác dụng của rau răm

Theo Đông y, rau răm có vị cay, tính ấm, tác dụng kiện tỳ, ích vị, tiêu thực, trừ thấp, thường dùng trong các trường hợp lạnh bụng, ăn uống không tiêu, phong thấp, làm gia vị giúp làm ấm, điều hòa tính lạnh của thức ăn. Rau răm hay được chế biến cùng với những món ăn mang tính hàn hoặc khó tiêu.

Bên cạnh đó, rau răm chứa nhiều dưỡng chất, công dụng tốt cho sức khỏe. Hạt rau răm sắc uống cùng hương nhu chữa thổ tả (nôn và đi ngoài nhiều). Rễ rau răm hòa cùng rượu sắc uống làm hạ những cơn đau tim, khi vắt lấy nước cốt, hòa rượu bôi, bã đắp ngoài chữa hắc lào, lang ben, chốc lở, rắn cắn. Rau răm tươi giã, vắt lấy nước cốt uống chữa say nắng, khô khát.

Các bài thuốc từ rau răm

Bụng đầy trướng tiêu hóa trì trệ: một nắm rau răm rửa sạch giã nhỏ lấy nước uống. Bã đem xoa bụng (xoa tập trung vào vùng rốn).
Cảm cúm hắt hơi sổ mũi: rau răm một nắm, gừng sống 3 lát. Hai thứ giã nhỏ vắt lấy nước uống. Hoặc rau răm 20g, tía tô 20g, kinh giới 16g, xương bồ 16g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, kiện 10g. Sắc uống.
Chữa rắn cắn: rau răm một nắm giã nhỏ vắt lấy nước cho bệnh nhân uống. Bã đắp vào nơi vết cắn băng lại (cần làm sớm thì có kết quả tốt) và đưa ngay đến cơ sở y tế.
Đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh: rau răm (khô) 16g, bạch truật 12g, kinh giới 16g, lương khương 12g, quế 10g, gừng nướng 4g. Đổ nước 2 bát, sắc còn 1 bát. Chia 2 lần uống trong ngày.
Nước ăn chân: rau răm giã nhỏ đắp vào nơi bị tổn thương. Hoặc giã nhỏ lấy nước cốt chấm vào nơi bị đau. Ngày 2 lần (giữ cho vết thương được khô ráo để chống bội nhiễm).
Mụn nhọt đang ở giai đoạn sưng nóng: rau răm một nắm, muối vài hạt. Hai thứ giã nhỏ, đắp vào nhọt băng lại. Ngày thay thuốc 1 lần. Phương này dùng cho tất cả các trường hợp mụn nhọt, áp-xe đang ở giai đoạn đầu. Tác dụng chống viêm, hoạt huyết, tiêu độc.

Tác hại của rau răm

Bên cạnh những tác dụng tuyệt vời thì rau răm cũng mang lại một số tác hại với sức khỏe nếu dùng sai cách.

Ảnh hưởng tới chuyện chăn gối

Nếu dùng rau răm thường xuyên với lượng quá nhiều sẽ sinh nóng rét, giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, suy yếu tình dục. Cả nam và nữ nếu ăn rau răm nhiều và thường xuyên có thể bị giảm ham muốn, đàn ông kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi. Phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt.

Dễ gây sảy thai

Vì có vị cay, tính ấm, tính thơm, hành khí mạnh (khí hành dẫn đến huyết hành) kích thích tử cung có thể làm ra thai nên rau răm kỵ dùng với người có thai.

Bà bầu ăn ít (chỉ một vài ngọn) với các thức đi kèm như trứng vịt lộn… sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, nhưng nếu ăn nhiều, dùng rau răm giã uống hay sắc làm thuốc uống thì rất nguy hiểm.

Bởi vậy khi có thai không được ăn nhiều rau răm. Những người máu nóng, ốm gầy và phụ nữ khi đang hành kinh cũng không được dùng rau răm.

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Rau răm có tính nóng, có thể gây ra các triệu chứng như táo bón, nóng trong, đau bụng, đi ngoài phân lỏng.

Gây dị ứng

Một số người có thể bị dị ứng với rau răm, các triệu chứng dị ứng thường gặp bao gồm nổi mề đay, ngứa, khó thở, sưng môi, lưỡi.

Do đó, bạn nên ăn rau răm một cách hạn chế, không nên ăn quá nhiều rau răm trong một ngày. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác hại của rau răm, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

HÀ ANH(Tổng hợp)