Lá trầu không là một vị dược liệu nổi tiếng với đặc tính kháng khuẩn mạnh. Bên cạnh đó, trầu không cũng mang lại vô vàn lợi ích tuyệt vời không phải ai cũng biết.
Tên khoa học
Trầu không hay còn gọi là trầu, thược tương, trầu cay, trầu lương, thổ lâu đằng có tên khoa học là Piper betle L. hay Piper siriboa L. thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae.
Mô tả đặc điểm
Trầu không là một loại cây leo, thân nhẵn. Lá mọc so le, phiến lá hình trái xoan dài 10 – 13cm, rộng 4,5 – 9 cm, phía cuống hình tim, đầu lá nhọn, khi soi lên có rất nhiều điểm chứa tinh dầu nhỏ, thường có 5 gân lá. Lá 2 mặt nhẵn, mặt trên màu sẫm bóng, gân nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá có bẹ dài 1,5 – 3,5cm, gốc đôi khi hơi lệch.
Cành hình trụ, có khía dọc, bén rễ ở các mấu. Cụm hoa mọc ở kẽ thành bông ngắn. Cây có lá bắc (lá bắc là lá mọc kèm cụm hoa). Lá bắc tròn hoặc hình trái xoan. Quả mọng, tròn và có lông ở đỉnh. Toàn cây có tinh dầu thơm, cay.
Mùa hoa quả vào tháng 5 đến tháng 8. Trầu không là loài cây ưa ẩm, ưa sáng, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm.
Bộ phận dùng
Cây trầu không được trồng ở nhiều nơi tại Việt Nam để lấy lá ăn trầu. Ngoài ra còn được trồng phổ biến ở nhiều nước khác có khí hậu nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Philippin, Indonesia.
Để dùng làm thuốc, trầu không cũng được thu hái tương tự với lá dùng ăn trầu, dùng tươi, đôi khi có thể dùng rễ.
Lá trầu không
Lá là bộ phận dùng chính của cây trầu không
Tính vị, quy kinh
Theo Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, quy vào các kinh phế, tỳ, vị.
Chúng có tác dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng.
Lá trầu không có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm tốt do chứa thành phần phenol là Betel phenol và Chavicol. Do đó lá thường được sử dụng để trị ho, cảm cúm, chữa viêm da, nổi mẩn ngứa, bảo vệ dạ dày, ngăn ngừa bệnh tật.
Thành phần hóa học
Thành phần quan trọng nhất trong lá là đường và tinh dầu chiếm 0,8 – 2,4%, thơm mùi creozot (mùi củi đốt), có vị nóng. Trong tinh dầu, có hai thành phần chính gồm phenol và betel-phenol kèm theo một số hợp chất phenolic khác.
Ngoài ra, lá còn có nhiều vitamin nhóm B (chủ yếu là axit nicotinic), axit ascorbic và caroten, piperbetol, methylpiperol, piperol A và piperol B.
Tác dụng dược lý
Cao chiết lá và tinh dầu trầu không có hoạt tính kháng sinh rất mạnh ức chế một số chủng vi khuẩn như: tụ cầu vàng, phế cầu, Staphylococcus albus, Bacillus subtilis, liên cầu tan máu, Escherichia coli, Salmonella typhi… và các chủng nấm Candida albicans, C. stellatoides, Aspergillus niger…
Năm 1961, phòng Đông y thực nghiệm của Viện Vi trùng học đã xác định qua thực nghiệm tính kháng sinh bay hơi của lá trầu không. Cao nước lá trầu không được thí nghiệm điều trị bệnh viêm chân răng cho hiệu quả tốt.
Một số tác dụng dược lý khác của trầu không được nghiên cứu gồm:
Tác dụng chống co thắt cơ trơn, ức chế tăng quá mức nhu động ruột, ức chế hệ thần kinh trung ương ở động vật có vú.
Piperbetol, methylpiperbetol, piperol A và piperol B phân lập từ trầu không ức chế đặc hiệu sự kết tập tiểu cầu ở thỏ.
Cao nước chế thành thuốc mỡ có tác dụng làm lành vết thương nhanh chóng ở thỏ.
Công dụng của lá trầu không
Ngoài công dụng phổ biến dùng ăn trầu, người ta còn sử dụng lá trầu giã nát, cho thêm nước sôi để rửa các vết loét, mụn nhọt, hắc lào, mề đay, ghẻ ngứa, bỏng, thậm chí dùng làm nước nhỏ mắt chữa viêm kết mạc, chàm mặt ở trẻ em.
Nhiều nơi cũng dùng lá trầu không đắp lên ngực để chữa ho và hen, khi thời tiết thay đổi, đờm nhiều khó thở, cảm mạo hoặc đắp lên vú để giảm tiết sữa.
Trầu không dùng chữa hàn thấp gây nhức mỏi, đau bụng, đầy hơi, vết thương nhiễm trùng có mủ sưng đau.
Súc miệng hàng ngày với nước có dịch chiết lá trầu không giúp phòng viêm họng, viêm quanh răng, viêm tai, hỗ trợ trị bạch hầu. Ngoài ra trầu không còn được dùng để giảm hôi miệng.
Lá trầu không có tác dụng gì?
Cây trầu không được trồng ở nhiều nơi trên cả nước để lấy lá ăn trầu. Tuy nhiên hiện nay, tục ăn trầu không còn phát triển mạnh mẽ như trước kia nữa nhưng trầu không vẫn là một trong những nét đẹp của văn hóa Việt. Lá trầu không có vị cay nồng, mùi hơi hắc, tính ấm và thường được sử dụng làm thuốc bởi những tác dụng sau:
Điều trị một số bệnh lý về răng miệng
Trong lá trầu không có rất nhiều chất chống oxy hóa và diệt khuẩn có khả năng trị hôi miệng hiệu quả. Ngoài ra, các hoạt chất chống viêm có trong lá trầu không có tính sát khuẩn cao giúp bảo vệ răng miệng, hạn chế sâu răng. Hoạt chất Flavonoid có trong lá trầu không có khả năng sát khuẩn và cầm máu, có thể giúp người bệnh thuyên giảm tình trạng nhiệt miệng, chảy máu chân răng.
Giảm đau
Được biết đến là loại thuốc giảm đau tự nhiên tuyệt vời, lá trầu không có tác dụng giảm đau đầu, đau do vết thương bầm tím, các vết trầy da hoặc sưng viêm. Bạn có thể giã nát lá trầu đắp lên vết thương hoặc đun lấy nước uống đều có hiệu quả tương đương.
Giảm lượng Cholesterol xấu trong máu:
Trong lá trầu không có chất eugenol có tác dụng ức chế và trung hòa các gốc tự do hình thành cholesterol xấu giúp ngăn ngừa các bệnh lý như mỡ máu, bệnh tim mạch và gan nhiễm mỡ.
Điều trị đái tháo đường:
Mức oxy hóa cao khi căng thẳng khiến lượng đường huyết tăng vọt ở người bệnh tiểu đường, sử dụng lá trầu không có tác dụng chống lại các oxy hóa này và giúp duy trì sự ổn định lượng đường trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những tác dụng tích cực khi sử dụng lá trầu không điều trị đái tháo đường tuýp 2.
Hỗ trợ giảm đau khớp do gout:
Trong lá trầu không có nhiều chất có tính sát khuẩn cao, trong đó có có chavicol giúp điều trị tình trạng đau khớp, viêm khớp do viêm nhiễm.
Điều trị mụn nhọt, mẩn ngứa:
Với khả năng chống viêm và sát khuẩn cao, lá trầu không là vị thuốc được sử dụng thường xuyên để điều trị mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng mà không để lại tác dụng phụ nào.
Giảm cân:
Lượng chất xơ trong lá trầu khá cao giúp bạn dễ dàng tiêu hóa hơn và cảm giác no lâu hơn, thúc đẩy quá trình giảm mỡ tự nhiên. Bạn có thể đun nước lá trầu uống sau khi ăn để hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Tăng cảm giác thèm ăn:
Lá trầu không vừa giúp bạn giảm cân nhưng cũng có thể giúp kích thích vị giác khiến bạn ăn ngon hơn nhờ hoạt chất polyphenol có trong lá trầu không giúp cân bằng pH trong dạ dày. Bạn có thể ăn lá trầu trước bữa ăn khoảng 30 phút để kích thích cơn thèm ăn.
Điều trị bỏng do nước sôi:
Bị bỏng rất dễ bị nhiễm trùng và lá trầu không có khả năng sát khuẩn sẽ giúp làm dịu vết thương. Bạn có thể điều trị bỏng nước sôi bằng cách lấy lá trầu không hơ nóng rồi quét dầu thầu dầu lên lá và đắp vào vết thương. Cứ khoảng vài tiếng, bạn có thể thay lá một lần và cảm nhận hiệu quả tuyệt vời của nó.
Điều trị một số bệnh lý phụ khoa:
Sử dụng lá trầu không điều bệnh một số bệnh lý phụ khoa như ngứa, nhiễm nấm rất hiệu quả và được nhiều chị em tin dùng. Hiện nay, trên thị trường cũng có rất nhiều các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ sử dụng nguyên liệu chính từ lá trầu không.
Điều trị hôi nách:
Hôi nách gây ra nhiều khó chịu và những tình huống khó xử cho cả nam giới và nữ giới. Nếu bạn đã thử rất nhiều cách nhưng không có hiệu quả khả quan thì hãy thử sử dụng lá trầu không nhé. Hãy kiên trì sử dụng lá trầu không giã nát lấy nước cốt và lau lên vùng nách, mỗi tuần thực hiện 2 – 3 lần và bạn sẽ thấy được hiệu quả tốt nhất.
Điều trị say nắng:
Mùa hè nắng nóng khiến tình trạng say nắng thường xuyên xảy ra. Bạn có thể nhanh chóng khắc phục bằng cách sử dụng lá trầu không trộn với một nắm tóc rối, một tí dầu hỏa bọc vào trong một cái khăn và chà xát dọc vùng lưng, bụng để điều trị say nắng.
Điều trị nấm da:
Bạn có thể sử dụng lá trầu không giã nát đắp lên vùng da bị nấm hoặc đun lấy nước rửa hằng ngày.
Một số bài thuốc có dùng trầu không
1. Chữa chàm ở trẻ mới sinh
Dùng 2 – 3 lá trầu không tươi cắt thật nhỏ cho vào một cốc nhỏ, đổ nước sôi vào cho ngập lá trầu làm như khi pha chè. Đợi khoảng 10 – 15 phút cho chất trong lá trầu tiết ra nước, dùng nước này rửa vết chàm. Nếu vết chàm lớn có thể dùng số lượng lá nhiều hơn. Hoặc có thể dùng lá đun với nước sôi kỹ, để ấm rồi rửa cho bé. Ngày làm 2 – 3 lần.
2. Sát trùng vết thương
Lá trầu không chứa nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời. Nó làm giảm stress oxy hóa và do vậy làm liền viết thương nhanh hơn. Bôi nước lá trầu không lên vết thương sau đó phủ lên bằng nhiều lá trầu và quấn lại. Vết thương sẽ nhanh chóng liền lại trong vài ngày.
Lá trầu không, lá thanh táo, lá cỏ răng cưa, lượng bằng nhau. Tất cả đem giã nát rồi đắp lên vết thương.
Hoặc lá trầu không tươi 40g, rửa sạch, đun với 2 lít nước sôi trong 15 – 20 phút. Để nguội, gạn lấy nước trong, thêm phèn 8g vào, khuấy tan rồi rửa vết thương.
3. Chữa mụn nhọt
Lá trầu không, lá thồm lồm, hoa dâm bụt, lấy lượng bằng nhau. Giã nát tất cả rồi đắp lên mụn.
4. Chữa tiểu rắt
Rễ trầu không (hoặc dùng thân, lá), rễ cau, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang, dùng vài ngày đến khi khỏi.
5. Chữa sai khớp, bong gân
Chứa nhiều chất polyphenol, đặc biệt là chavicol, lá trầu không có tác dụng chống viêm tuyệt vời.
Lá trầu không 12g, nghệ già 20g, lá cúc tần, lá xạ can mỗi vị 12g. Giã nát, trộn với một ít giấm, bọc gạc rồi đắp lên chỗ sưng đau. Thay băng sau khoảng 2 – 3 ngày/lần.
6. Chữa viêm họng
Hoạt chất trong lá trầu không có tác dụng chống viêm hiệu quả, có tác dụng chữa viêm họng. Lấy một nắm lá trầu không đem giã nát cùng 1 thìa cà phê mật ong. Ngậm hỗn hợp này trong cổ họng khoảng 10 – 15 phút mỗi lần bị đau để giảm tình trạng đau họng, viêm họng do vi khuẩn.
7. Ngăn ngừa đau răng do sâu răng
Vi khuẩn tích tụ lâu dài trong khoang miệng là nguyên nhân dẫn đến sâu răng và gây đau răng. Nhai lá trầu sẽ giúp tiết ra các hoạt chất chống viêm và sát khuẩn giúp bảo vệ răng miệng tốt hơn.
Dùng lá trầu không, rửa sạch, thêm ít muối, giã nhỏ, hoà vào một chén rượu. Gạn lấy nước ngậm liên tục tới khi giảm đau nhức.
8. Trầu không giúp giảm đầy bụng, khó tiêu
Lá trầu không có tác dụng bảo vệ dạ dày, chống đầy hơi, chống xì hơi vv…Nhai lá trầu không cũng giúp sản xuất nhiều nước bọt hơn. Nó cũng giúp hấp thu tốt hơn khoáng chất và dưỡng chất. Loại nước này có thể dùng với nước lọc để trị chứng khó tiêu thường xuyên. Có thể thoa nước lá trầu không lên bụng để giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.
Uống nước lá trầu không pha loãng giúp giảm đầy bụng, khó tiêu do trong lá trầu không chứa khoảng 1,8% tinh dầu, có đặc tính nóng ấm, dễ tiêu hóa.
9. Giúp trị cảm lạnh, nhức đầu
Lá trầu có tính nóng ấm, kháng khuẩn mạnh có thể giúp trị cảm lạnh, đau đầu. Cách dùng có thể lấy một ít lá trầu không, đem giã nát rồi bọc trong một chiếc khăn xô chà xát dọc sống lưng giống như cạo gió để trị cảm lạnh hoặc dùng đắp lên vùng thái dương để giảm đau đầu.
10. Trầu không trị nước ăn chân tay
Lấy một nắm lá trầu không đun với nước sôi, sử dụng để rửa tay chân hàng ngày sẽ giúp thuyên giảm tình trạng nước ăn chân tay gây ngứa ngáy.
11. Trầu không hỗ trợ chữa nấm da
Có thể giã nát rồi đắp lá trầu không lên khu vực bị nấm hoặc dùng nước lá trầu không đun sôi để rửa.
12. Chữa chảy máu chân răng, nhiệt miệng
Hoạt chất Flavonoid trong lá trầu không có khả năng sát khuẩn và cầm máu. Do đó người bị chảy máu chân răng, nhiệt miệng có thể nhai nát lá trầu trong miệng hàng ngày để giảm các bệnh lý răng miệng.
13. Trầu không chữa các bệnh phụ khoa
Trầu không được sử dụng phổ biến để trị các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung do đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm hiệu quả.
Hãy sử dụng khoảng 10 lá trầu không đem đun sôi trong 1,5 – 2 lít nước. Sau đó lấy nước để vệ sinh vùng kín hàng ngày. Do hoạt tính kháng sinh bay hơi, trầu không cũng được sử dụng để xông vùng kín.
14. Trị hôi nách
Ngoài việc sử dụng trầu không để khử mùi hôi miệng, nó còn có thể giúp giảm hôi nách nhờ đặc tính sát khuẩn.
Dùng nửa quả chanh xát đều lên nách, đợi 5 phút sau đó rửa sạch lại. Giã nát lá trầu lấy nước cốt đem lau lên vùng nách. Thực hiện như vậy từ 2– 3 lần mỗi tuần sẽ giúp giảm hôi nách.
15. Hơi thở hôi
Trầu không có nhiều tác dụng với sức khỏe răng miệng. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nhai lá trầu không làm tăng tiết nước bọt, nước bọt có tác dụng làm giảm sự phát triển của vi khuẩn ở miệng bằng cách khôi phục lại độ pH.
16. Giảm cân
Lá trầu không giúp tăng cường trao đổi chất, làm tăng sự bài tiết dịch tiêu hóa và loại bỏ nước và độc tố dư thừa ra khỏi cơ thể. Lượng chất xơ phong phú cũng giúp giảm táo bón. Lá trầu không được tin là giúp giảm mỡ cơ thể. Tất cả những tác dụng này giúp bạn giảm cân lành mạnh.
17. Chứng rối loạn cương dương ở nam giới
Lá trầu không được coi là bài thuốc hiệu quả trị rối loạn cương dương ở nam giới vì nó làm giãn mạch máu và cũng có tác dụng chống trầm cảm. Bạn có thể nhai một hoặc hai lá trầu không sau bữa ăn để điều trị chứng này.