Thường xuyên bị chuột rút, nhịp tim không đều, mệt mỏi có thể là dấu hiệu cơ thể thiếu hụt kali.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, kali có liên quan đến sự phát triển của cơ xương, cân bằng axit-bazơ, chuyển hóa carbohydrate và các chức năng quan trọng khác. Kali hoạt động như một chất làm giãn mạch, giảm căng thẳng trong thành mạch máu. Dưới đây là các triệu chứng thiếu dưỡng chất không nên bỏ qua.
Chuột rút cơ bắp: Kali rất quan trọng đối với sự co cơ và tăng trưởng cơ trơn. Khi mức độ kali quá thấp, cơ thể có thể bị chuột rút, co thắt và đau nhức. Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng thường gặp nhiều hơn khi tập thể dục. Đối với phụ nữ lớn tuổi, các nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ thực phẩm giàu kali giúp ngăn ngừa loãng xương,
Đau dạ dày: Nồng độ kali thấp có thể làm chậm chức năng ruột. Điều này dẫn đến táo bón, đầy hơi, đau dạ dày.
Sức khỏe miễn dịch yếu, xuất hiện tình trạng choáng váng: Lượng kali thấp có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu hoặc choáng váng, có khả năng làm chậm nhịp tim, dẫn đến ngất xỉu.
Mệt mỏi: Thông thường, cơ thể mệt mỏi khi kiệt sức vì làm quá nhiều việc. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện cơ thể cần nhiều kali hơn. Nồng độ kali thấp có thể khiến bạn thiếu năng lượng, kiệt sức và buồn ngủ kinh niên.
Nhịp tim không đều hoặc đánh trống ngực: Với mức kali thấp, các mạch máu trong cơ thể có thể bị thu hẹp, dẫn đến tăng huyết áp. Khi mất cân bằng kali – natri, cơ tim có thể khó bơm máu hơn, khiến nhịp tim không đều hoặc đánh trống ngực.
Tuy nhiên, các triệu chứng trên có thể là kết quả của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Vì vậy, mỗi người nên đi khám bác sĩ dinh dưỡng để có chế độ ăn uống, tập luyện cân bằng.
Vì sao mất cân bằng kali
Kali được bài tiết qua thận ngay cả khi cơ thể thiếu hụt. Một số loại thuốc lợi tiểu, các tình trạng liên quan đến kém hấp thu, suy dinh dưỡng, nôn mửa, tiêu chảy và đổ mồ hôi quá nhiều, cũng có thể gây ra mức kali thấp. Ngoài ra, thuốc lá và caffein có thể làm giảm sự hấp thu dưỡng chất này trong cơ thể. Những người khác có nguy cơ cao bị hạ kali máu gồm người ăn kiêng, người lạm dụng chất kích thích và người nghiện rượu.
Trong khi nhiều người không hấp thu đủ khoáng chất quan trọng này thì một số trường hợp lại dung nạp quá nhiều dẫn đến tăng kali máu. Thông thường, thận khỏe mạnh liên tục bài tiết kali trong nước tiểu. Vì vậy nếu mức kali quá cao, có thể là do suy thận… Các tình trạng khác, chẳng hạn như chảy máu đường tiêu hóa, nhiễm trùng nặng hoặc phân hủy protein nhanh chóng cũng làm tăng nồng độ kali trong máu, gây buồn nôn, ngất xỉu, mạch đập không đều hoặc yếu, thậm chí tử vong.
Cách cân bằng kali
Để cơ thể hấp thu đủ kali mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống khoa học. Hầu hết trái cây và rau có sẵn kali và hàm lượng natri thấp tự nhiên. Trái cây và rau quả cũng chứa ít calo và nhiều chất xơ, các vitamin và khoáng chất khác.
Quả chuối nổi tiếng về hàm lượng kali, bên cạnh đó khoai tây, rau bina, cà rốt cũng giàu khoáng chất này. Kali cũng có trong hầu hết các nhóm thực phẩm khác như sữa (khoảng 391 mg mỗi cốc sữa ít béo ), các loại hạt, đậu, thịt, gia cầm và cá.