9 chân lý được cổ nhân đúc kết cho hậu thế dưới đây sẽ giúp cuộc đời bạn đổi khác. Hãy đọc và ngẫm.
Nước là vật chất không sở hữu hình dáng cố định, cứ thuận thế, thuận dòng mà lưu chuyển. Thế nhưng, cổ nhân cũng có câu núi không cản nổi nước, nước chảy đá mòn.
Bởi vậy, người Trung Quốc tin rằng, cư xử nhu hòa, thuận thế thời giống dòng nước thì tất cả mọi việc sẽ hanh thông, được như ý nguyện. Tất cả những điều ấy được gói gọn trong quan niệm “không tranh giành”.
Không tranh giành khác với thái độ không cầu tiến. Bởi việc hạn chế tranh giành bày tỏ tấm lòng tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh phá vỡ thế cân bằng của vạn sự, vạn vật, không vì cái nhỏ mà đánh mất cái lớn, càng không vì dòng đời vạn biến mà đánh mất bản thân.
Hành sự cũng không nên gấp gáp, bởi có câu “dục tốc bất đạt”. Trước khi làm bất kỳ một việc gì, bạn cũng nên cân nhắc thật kỹ, sau đó định ra kế hoạch rồi cẩn trọng thực hiện từng bước một.
Cách hành sự ấy cũng giống như dòng nước, chầm chậm chảy xuôi, không phân sau trước, không lấy làm gấp gáp.
Lại nói, nước chảy nhỏ thì dòng chảy ắt sẽ dài, tới một ngày nhất định sẽ tụ thành dòng lớn. Bởi vậy, người càng muốn giỏi giang, càng phải học được sự khiêm nhường, càng cần rèn luyện thái độ “không tranh giành” thì mới mong có ngày vươn lên.
2. Kẻ tham lam vô độ sẽ đánh mất nhiều cơ hội trong đời
Một người nếu mang trong mình tham vọng quá lớn thì chẳng mấy chốc sẽ đánh mất trí tuệ cùng thiên lương. Vậy nên người xưa mới quan niệm: “Mê muội đánh mất lý trí, tham dục khiến bản thân lụn bại”.
Ở trên đời, phàm là kẻ hám tài, tham quyền, háo sắc, chẳng có người nào giữ lại được lý trí, mà một khi lý trí đã không còn, thì ngay tới tính mạng cũng mong manh như “chỉ mành treo chuông”.
Không biết trân trọng những gì mình đang có, không chịu tu dưỡng, không học cách kiểm soát dục vọng… đều là những con đường ngắn nhất đẩy chúng ta vào cảnh hiểm nguy.
Nên nhớ, người không có khả năng tự chủ thì không có đủ tư cách bàn đến chuyện nhân sinh.
3. Quân tử hiểu mệnh chứ không xem mệnh
Vạn vật trên thế gian có thời, có vận, có thế.
“Thời” tức là thời cơ. Có thiên thời mà vận số chưa tới thì cũng khó tránh khỏi thất bại.
“Vận” là sự hòa hợp giữa thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba thứ này chưa hợp, vận tự nhiên sẽ không luân chuyển, số mệnh con người cũng vì thế mà gặp nguy.
“Thế” nghĩa là tiềm lực. Tiềm lực càng lớn, năng lượng càng nhiều. Tiềm lực mạnh thì sức lực của ta chẳng khác nào thác đổ.
Ba thứ trên hợp lại, mới tạo thành một chữ “mệnh”.
Khổng Tử nói: “Người không hiểu mệnh, không được coi là quân tử”.
Hiểu mệnh trước nhất là phải biết “mệnh của mình”, tức là phải biết làm thế nào để lập thân, xử thế trên cõi đời này.
Sau đó là phải hiểu được “mệnh trời”. Sau khi đã trải qua những dâu bể cuộc đời, cảm ngộ được cái “đại thiên địa tự nhiên”, từ đó thấm nhuần triết lý “thuận thiên ứng mệnh”.
Một người sau khi đã hiểu mệnh, trong lòng tự nhiên sẽ chẳng còn nghi ngờ, có thể thản nhiên đón nhận tất cả, càng không cần “đoán mò” vận mệnh.
4. Con người có ngàn vạn mưu tính, trời chỉ có một
Trong lòng mỗi người đều có không ít tính toán, mưu toan vì lợi ích của bản thân hoặc của những người khác.
Tính trăm tính ngàn, tính tới tính lui, nhưng đôi khi người ta vẫn không khỏi ngao ngán ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Người tính không bằng trời tính!”
Nhưng kỳ thực, thứ gọi là “trời tính” lại chỉ gói gọn trong một chữ của mỗi người. Đó chính là chữ “đức”. Mỗi một hành động hướng thiện, tích đức đều giúp bản thân tăng thêm phúc khí.
Người thiện lương thường chấp nhận thua thiệt, nhưng ông trời lại không để họ bị ức hiếp. Kẻ ác độc khiến thiên hạ đều sợ, nhưng ông trời cũng nào để chúng tác oai tác quái lâu dài.
Mang trong mình thiện tâm, trời cao sẽ “phù hộ”. Người trung hậu tất có được “phúc báo”. Vậy mới nói, thay vì tính toán trăm phương ngàn kế, chi bằng hành thiện tích đức có phải tốt hơn không?
5. Chuyện nhân tình thế thái không cần quá bận tâm
Tình người nơi trần thế có thể vì nhiều yếu tố khác nhau mà lúc nóng, lúc lạnh. Thái độ mỗi người đôi khi cũng phụ thuộc vào địa vị cao thấp của đối phương mà cư xử nhiệt tình hay lạnh nhạt.
Từ cổ chí kim, nịnh bợ người quyền cao chức trọng vốn là “thói đời”. Khi đã chấp nhận được sự thật này, quan điểm của bạn về chuyện nhân tình thế thái cũng sẽ dần đổi khác.
Lúc ở địa vị thấp, bị người khác đối xử lạnh nhạt hay khinh thường, bạn chớ nên trách móc hay tranh cãi với họ. Khi đã ở địa vị cao hơn, được nhiều người vây quanh, bạn càng không nên thấy vậy mà đắc ý, kiêu ngạo.
Giữ lòng tỉnh táo, chân thành đối đãi với mọi người, đó mới là chuyện ta cần chuyên tâm. Ngược lại, thái độ của đối phương có thật lòng hay không cũng chớ nên bận lòng.
6. Gỗ thẳng chặt trước, giếng ngọt sớm cạn
Gỗ quá thẳng sẽ bị chặt trước, giếng nước quá ngọt sớm sẽ bị khai thác đến mức khô cạn. Cũng giống như vậy, khi đứng ở vị trí cao hơn người khác, bị đố kỵ là điều khó tránh khỏi.
“Không thích người khác tốt hơn mình” là một biểu hiện phổ biến của thói ghen tị ở con người.
Vì vậy, mang trong mình tài hoa là một chuyện tốt, nhưng cũng chớ dại mang cái tài đi khoe khoang, phô trương khắp nơi. Cậy tài khinh người là một biểu hiện của sự nông cạn, còn dùng tài để khoe mẽ lại chỉ mang tới tai vạ và đố kỵ mà thôi.
7. Trung hòa là phúc, cực đoan là họa
Trong lòng bình thản, làm việc trung dung, người như vậy ắt có phúc khí. Ngược lại, kẻ mang tính tình cực đoan, hành sự bất cẩn thì đi đường nào cũng không thuận.
Năm xưa, khi Tăng Quốc Phiên làm chức Tổng đốc Lưỡng Giao, có người từng tiến cử với ông mấy vị nhân tài. Trong đó nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ – danh sĩ Lưu Tích Hồng.
Lưu Tích Hồng nổi danh vì cách hành văn tốt, từ ngữ trau chuốt, văn phong trôi chảy, bay bổng.
Sau khi gặp mặt nhân vật nước tiếng ấy, Tăng Quốc Phiên lại cảm nhận thấy trên mặt Lưu Tích Hồng ẩn chứ đầy khí tức bất bình, e rằng công danh sự nghiệp gặp nhiều trắc trở.
Quả nhiên không lâu sau, Lưu Tích Hồng nhận chức phó sứ, theo Quách Tung Đào đi sứ ở Tây Phương. Nhưng trên đường đi, hai người bất hòa về ý kiến. Quách Tung Đào nhờ được chủ chánh Lý Hồng Chương bao che nên thắng thế, khiến Lưu Tích Hồng bị bãi chức phó sứ.
Danh sĩ họ Lưu lúc ấy vô cùng bất bình, tính tình càng trở nên cực đoan, nói năng lỗ mãng, ngay tới đồng hương cũng ngày càng xa lánh.
Có dịp Lưu Tích Hồng mở tiệc mời bằng hữu tham dự, nhưng cuối cùng không một ai tới dự. Không lâu sau đó, danh sĩ ấy cũng vì u uất mà qua đời…
8. Ít biến là phúc, đa nghi là họa
Hạnh phúc lớn nhất của một người chính là không có chuyện buồn phiền để trong lòng. Tai họa lớn nhất của một người lại là nghi ngờ những người đối xử tốt với mình.
Nguồn gốc của thị phi thường bắt đầu từ thái độ đa nghi. Thái độ tiêu cực ấy vốn không có lợi trong quan hệ giữa người với người.
Có lẽ, chỉ khi bận tới tối tăm mặt mũi, chìm nghỉm trong một núi công việc, mệt tới nỗi đặt lưng là ngủ, tới giờ là ăn, chẳng có thời gian lo nghĩ những việc khác, đó mới thực sự là lúc ta hạnh phúc nhất.
9. Mất 2 năm để học nói, nhưng mất cả đời để học cách im lặng
Người xưa có câu: “Lắm lời là căn bệnh đầu tiên trong việc đối nhân xử thế. Động không bằng tĩnh, nói nhiều vốn chẳng bằng im lặng”.
Có những người, có những việc mà ta nói càng nhiều, khoảng cách giữa hai bên càng xa, mâu thuẫn cũng càng lúc càng lớn.
Trong giao tiếp thường ngày, nhiều người có thói quen vội vã, gấp gáp muốn bày tỏ quan điểm của bản thân, dẫn tới tình trạng nói liên miên mà chẳng hề quan tâm tới thái độ của đối phương.
Thay vì đem hết ruột gan phơi trước mặt người khác thông qua lời nói, chi bằng hãy học các giữ im lặng. Miệng lưỡi liến thoắng, giỏi thao thao bất tuyệt đôi khi không thể tỏa sáng. Nhưng người trầm mặc, ít nói, cất giữ nhiều suy nghĩ trong lòng lại càng toát lên vẻ thâm thúy.