Nhân sâm đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Đây là một loại cây phát triển chậm, thân ngắn với rễ nhiều thịt, và thường chia ra làm ba loại sâm tùy thuộc vào thời gian trồng: tươi, trắng hoặc đỏ.
Nhân sâm tươi được thu hoạch trước 4 năm, còn nhân sâm trắng được thu hoạch từ 4–6 năm và hồng sâm được thu hoạch sau 6 năm trở lên.
Có nhiều loại nhân sâm, nhưng phổ biến nhất là nhân sâm Hoa Kỳ (Panax quinquefolius) và nhân sâm châu Á (Panax ginseng). Nhân sâm Hoa Kỳ và Châu Á khác nhau về nồng độ của các hợp chất hoạt tính và tác dụng của chúng đối với cơ thể. Tác dụng của sâm mỗi loại là gì? Người ta tin rằng nhân sâm Hoa Kỳ có tác dụng thư giãn, trong khi loại nhân sâm châu Á có tác dụng tăng cường sinh lực.
Nhân sâm có chứa hai hợp chất quan trọng là ginsenosides và gintonin. Các hợp chất này bổ sung cho nhau để mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Cùng tìm hiểu về tác dụng cũng như tác hại của sâm qua phần tiếp theo nhé!
Tác dụng của sâm nhiều vô kể, nhưng bạn đã biết 7 tác dụng của sâm đã được khoa học chứng minh?
Tác dụng của sâm là gì?
1. Giảm viêm nhờ chất chống oxy hóa mạnh mẽ
Nhân sâm có các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm xuất sắc. Một số nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng chiết xuất nhân sâm và các hợp chất ginsenoside có thể ức chế tình trạng viêm và tăng khả năng chống oxy hóa trong tế bào.
Ví dụ, một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất hồng sâm Hàn Quốc làm giảm viêm và cải thiện hoạt động chống oxy hóa của các tế bào da của những người bị bệnh chàm.
Một thí nghiệm khác cũng cho ra kết quả tích cực: 18 nam vận động viên trẻ uống 2 gam chiết xuất hồng sâm Hàn Quốc 3 lần/ngày trong 7 ngày. Sau đó, những thanh niên này được kiểm tra mức độ của một số dấu hiệu viêm nhất định sau khi thực hiện bài kiểm tra tập thể dục. Các mức này thấp hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược, kéo dài đến 72 giờ sau khi thử nghiệm.
Cuối cùng, một nghiên cứu lớn hơn đã theo dõi 71 phụ nữ sau mãn kinh dùng 3 gam hồng sâm hoặc giả dược mỗi ngày trong 12 tuần. Hoạt động chống oxy hóa và các dấu hiệu ứng suất oxy hóa sau đó được ghi lại. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng hồng sâm có thể giúp giảm căng thẳng do oxy hóa bằng cách tăng hoạt động của các enzym chống oxy hóa.
2. Có lợi cho chức năng não
Nhân sâm có thể giúp cải thiện các chức năng của não như trí nhớ, hành vi và tâm trạng.
Một số nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật cho thấy các thành phần trong nhân sâm, như ginsenosides và hợp chất K, có thể bảo vệ não và chống lại các tổn thương do các gốc tự do gây ra.
Một nghiên cứu đã theo dõi 30 người khỏe mạnh tiêu thụ 200 mg nhân sâm châu Á mỗi ngày trong 4 tuần. Vào cuối nghiên cứu, họ đã cho thấy sự cải thiện về sức khỏe tâm thần, hoạt động xã hội và tâm trạng. Tuy nhiên, những lợi ích này không còn đáng kể sau 8 tuần, cho thấy rằng tác dụng của nhân sâm có thể giảm khi sử dụng trong một thời gian dài.
Một nghiên cứu khác đã kiểm tra liều lượng 200 hoặc 400 mg sâm ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động trí óc, sức khỏe tinh thần và lượng đường trong máu ở 30 người lớn khỏe mạnh trước và sau khi kiểm tra tâm thần 10 phút. Liều 200 mg, trái ngược với liều 400 mg, có hiệu quả hơn trong việc cải thiện hoạt động trí óc và sự mệt mỏi trong quá trình thử nghiệm. Có thể nhân sâm hỗ trợ sự hấp thụ đường trong máu của các tế bào, từ đó giúp tăng cường hiệu suất và giảm mệt mỏi về tinh thần. Tuy nhiên, không rõ tại sao liều thấp hơn lại hiệu quả hơn liều cao hơn.
Một nghiên cứu thứ ba cho thấy uống 400 mg sâm Panax mỗi ngày trong 8 ngày giúp cải thiện sự bình tĩnh và khả năng toán học. Hơn nữa, các nghiên cứu khác đã phát hiện ra những tác động tích cực đến chức năng và hành vi của não ở những người mắc bệnh Alzheimer.
Uống nước sâm có tác dụng gì? Nước sâm giúp bổ não, cải thiện rối loạn cương dương và hơn thế nữa.
3. Cải thiện chứng rối loạn cương dương
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhân sâm có thể là một sự thay thế hữu ích để điều trị rối loạn cương dương (ED) ở nam giới.
Có vẻ như các hợp chất trong nó có thể bảo vệ chống lại stress do oxy hóa trong các mạch máu và mô ở dương vật và giúp khôi phục chức năng bình thường cho dương vật. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhân sâm có thể thúc đẩy sản xuất oxit nitric, một hợp chất giúp cải thiện sự giãn cơ ở dương vật và tăng lưu thông máu.
Một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông được điều trị bằng hồng sâm Hàn Quốc đã cải thiện được 60% các triệu chứng ED, so với mức cải thiện 30% bởi một loại thuốc dùng để điều trị ED.
Hơn nữa, một nghiên cứu khác cho thấy 86 nam giới bị ED đã có những cải thiện đáng kể về chức năng cương dương và hài lòng sau khi uống 1.000 mg chiết xuất nhân sâm lâu năm trong 8 tuần.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để đưa ra kết luận chắc chắn về tác dụng của nhân sâm đối với rối loạn cương dương.
4. Tăng cường hệ thống miễn dịch
Nhân sâm có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Một số nghiên cứu đã khám phá tác động của nó đối với hệ thống miễn dịch bằng cách tập trung vào bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng phẫu thuật hoặc hóa trị.
Một nghiên cứu đã theo dõi 39 người đang hồi phục sau phẫu thuật ung thư dạ dày, điều trị họ với 5.400 mg nhân sâm mỗi ngày trong hai năm. Điều thú vị là những người này đã có những cải thiện đáng kể trong các chức năng miễn dịch và tỷ lệ tái phát các triệu chứng thấp hơn.
Một nghiên cứu khác đã kiểm tra tác dụng của chiết xuất hồng sâm đối với các dấu hiệu của hệ thống miễn dịch ở những người bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, đang hóa trị sau phẫu thuật. Sau ba tháng, những người dùng chiết xuất hồng sâm có các dấu hiệu miễn dịch tốt hơn những người trong nhóm đối chứng hoặc giả dược.
Hơn nữa, một nghiên cứu cho thấy những người dùng nhân sâm có thể có cơ hội sống không bệnh tật trong 5 năm sau phẫu thuật, cao hơn tới 35% và tỷ lệ sống sót cao hơn tới 38% so với những người không dùng sâm.
Mặc dù những nghiên cứu này cho thấy những cải thiện trong hệ thống miễn dịch ở những người bị ung thư, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để chứng minh hiệu quả của nhân sâm trong việc tăng cường khả năng chống lại nhiễm trùng ở những người khỏe mạnh.
5. Tiềm năng chống lại bệnh ung thư
Nhân sâm có thể hữu ích trong việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Ginsenosides trong loại thảo mộc này đã được chứng minh là giúp giảm viêm và bảo vệ cơ thể, chống lại oxy hóa.
Chu kỳ tế bào là quá trình tế bào phát triển và phân chia bình thường. Ginsenosides có thể mang lại lợi ích cho chu kỳ này bằng cách ngăn chặn quá trình sản xuất và tăng trưởng tế bào bất thường. Đánh giá của một số nghiên cứu đã kết luận rằng, những người dùng nhân sâm có thể giảm tới 16% nguy cơ phát triển ung thư.
Hơn nữa, một nghiên cứu quan sát cho thấy những người dùng nhân sâm có thể ít mắc một số loại ung thư như ung thư môi, miệng, thực quản, dạ dày, ruột kết, gan và phổi hơn so với những người không dùng.
Nhân sâm cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe của bệnh nhân đang hóa trị, giảm tác dụng phụ và tăng cường tác dụng của một số loại thuốc điều trị.
6. Chống lại mệt mỏi và tăng cường năng lượng
Nhân sâm đã được chứng minh là giúp chống lại mệt mỏi và tăng cường năng lượng trong cả ngày dài.
Các nghiên cứu trên động vật khác nhau đã khẳng định mối quan hệ giữa một số thành phần trong nhân sâm, như polysaccharides và oligopeptide, với tình trạng stress oxy hóa thấp hơn, đồng thời khả năng sản xuất năng lượng cao hơn trong tế bào, có thể giúp chống lại sự mệt mỏi.
Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần đã khám phá tác dụng của việc cho 1 hoặc 2 gam nhân sâm châu Á hoặc giả dược cho 90 người bị mệt mỏi mãn tính. Những người được sử dụng nhân sâm ít bị mệt mỏi về thể chất và tinh thần, cũng như giảm căng thẳng oxy hóa, so với những người dùng giả dược.
Một nghiên cứu khác đã cho 364 người sống sót sau ung thư thử uống 2.000 mg nhân sâm Hoa Kỳ hoặc giả dược. Sau 8 tuần, những người trong nhóm dùng nhân sâm có mức độ mệt mỏi thấp hơn đáng kể so với những người trong nhóm dùng giả dược.
Hơn nữa, một đánh giá của hơn 155 nghiên cứu cho thấy rằng nhân sâm có thể không chỉ giúp giảm mệt mỏi mà còn tăng cường hoạt động thể chất.
7. Giảm lượng đường trong máu
Nhân sâm dường như có lợi trong việc kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc và không mắc bệnh tiểu đường.
Nhân sâm Hoa Kỳ và Châu Á đã được chứng minh là cải thiện chức năng tế bào tuyến tụy, tăng cường sản xuất insulin và tăng cường sự hấp thu đường huyết trong các mô. Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy rằng chiết xuất nhân sâm giúp bảo vệ cơ thể bằng cách chống oxy hóa, làm giảm các gốc tự do trong tế bào của những người bị bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu đã đánh giá tác dụng của 6 gam hồng sâm Hàn Quốc, cùng với thuốc chống tiểu đường hoặc chế độ ăn kiêng thông thường, ở 19 người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Điều thú vị là họ có thể duy trì và kiểm soát lượng đường trong máu tốt trong suốt 12 tuần nghiên cứu. Họ cũng đã giảm 11% lượng đường trong máu, giảm 38% lượng insulin lúc đói và tăng 33% độ nhạy cảm với insulin.
Một nghiên cứu khác cho thấy nhân sâm Hoa Kỳ đã giúp cải thiện lượng đường trong máu ở 10 người khỏe mạnh sau khi họ thực hiện thử nghiệm đồ uống có đường.
Có vẻ như nhân sâm đỏ lên men thậm chí còn có thể kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn. Nhân sâm lên men được sản xuất với sự hỗ trợ của các vi khuẩn sống giúp biến đổi ginsenosides thành dạng dễ hấp thụ và hoạt động mạnh mẽ hơn. Trên thực tế, một nghiên cứu đã chứng minh rằng dùng 2,7 gam hồng sâm lên men mỗi ngày có hiệu quả cao hơn trong việc giảm lượng đường trong máu và tăng mức insulin sau bữa ăn thử nghiệm, so với giả dược.
Bạn đã biết cách sử dụng sâm?
Sử dụng nhân sâm sao cho chuẩn?
Mặc dù sâm rất dễ dàng để bổ sung vào chế độ ăn uống, nhưng nhiều người đã và đang không biết cách sử dụng sâm. Một số cách đơn giản để chế biến rễ nhân sâm là:
– Ăn sống
– Hấp trong thời gian ngắn để làm mềm
– Ngâm trong nước nóng như pha trà
– Nấu món súp hoặc xào
Quan trọng hơn nữa là liều lượng nhân sâm mà bạn nên tiêu thụ. Tất cả tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bạn đang mắc phải. Nhìn chung, liều lượng hàng ngày của nhân sâm nên là:
– 1–2 gam rễ nhân sâm thô hoặc
– 200–400 mg chiết xuất sâm
Tốt nhất là bắt đầu với liều lượng thấp và tăng dần theo thời gian. Hãy tìm chiết xuất nhân sâm tiêu chuẩn có chứa 2–3% tổng số ginsenosides và uống trước bữa ăn để tăng khả năng hấp thụ và nhận được đầy đủ lợi ích sức khỏe từ sâm.
Các tác dụng phụ của sâm
Theo nghiên cứu, nhân sâm có vẻ an toàn và không tạo ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Tuy nhiên, những người dùng thuốc điều trị tiểu đường nên theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu khi sử dụng nhân sâm để đảm bảo mức độ này không xuống quá thấp. Ngoài ra, nhân sâm có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc chống đông máu.
Vì những lý do này, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung sâm vào chế độ ăn, ví dụ như hỏi uống nước sâm có tác dụng gì đối với tình trạng sức khỏe của bạn lúc này.
Lưu ý rằng do thiếu các nghiên cứu về độ an toàn, nên nhân sâm không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em hoặc phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Cuối cùng, có một số bằng chứng cho thấy việc sử dụng nhân sâm kéo dài có thể làm giảm hiệu quả của sâm đối với cơ thể. Để tối đa hóa tác dụng của sân, bạn nên dùng nhân sâm trong chu kỳ 2-3 tuần với thời gian nghỉ giữa một hoặc hai tuần.