Mùa đông lạnh, với hũ chanh ngâm mật ong tự tay làm sẽ giúp bạn trị được cơn đau rát cổ họng cũng như những cơn ho dai dẳng cho gia đình trong thời tiết giá lạnh.
Chanh và mật ong là hai nguyên liệu tự nhiên thường được sử dụng để hỗ trợ sức khỏe đường hô hấp nhờ đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và làm dịu cổ họng. Dưới đây là một số tác dụng cụ thể của chanh và mật ong đối với hệ hô hấp.

1. Tác dụng của mật ong
- Kháng khuẩn, kháng virus: Mật ong có tính sát khuẩn nhờ hydrogen peroxide và các hợp chất phenolic, giúp ức chế vi khuẩn, virus gây viêm họng, viêm amidan hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.
- Làm dịu cổ họng: Mật ong có độ nhớt cao, bao phủ niêm mạc họng, giảm kích ứng, ho khan và đau rát.
- Giảm ho: Nghiên cứu cho thấy mật ong có hiệu quả giảm ho ở trẻ em và người lớn, đặc biệt khi kết hợp với chanh hoặc gừng.
- Tăng cường miễn dịch: Chứa chất chống oxy hóa và dưỡng chất giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

2. Tác dụng của chanh
- Cung cấp vitamin C: Tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại cảm lạnh, cảm cúm.
- Kháng viêm, long đờm: Axit citric trong chanh giúp làm loãng đờm, giảm tắc nghẽn đường thở.
- Sát khuẩn nhẹ: Chanh có tính acid nhẹ, giúp làm sạch họng và khoang miệng.
3. Kết hợp chanh và mật ong
Hỗn hợp nước ấm pha mật ong + chanh thường được dùng để:
- Giảm ho, viêm họng: Uống 1–2 thìa hỗn hợp mật ong + nước cốt chanh pha ấm giúp làm dịu cổ họng.
- Hỗ trợ điều trị cảm lạnh: Kết hợp với gừng hoặc quất để tăng hiệu quả.
- Làm sạch đường hô hấp: Giảm đờm, nghẹt mũi khi bị viêm phế quản hoặc cảm cúm.
4. Cách ngâm chanh mật ong trị ho mùa lạnh

Như mọi người đã biết, chanh ngâm mật ong không chỉ có tác dụng chữa ho mà còn giúp bạn thanh lọc cơ thể và đẹp da. Sau đây là cách giúp bạn có được một hũ chanh ngâm tự làm chất lượng.
Cách làm:
Chuẩn bị:
– Chanh (Chanh đào càng tốt) – 1 kg.
– Mật ong (nguyên chất) – 1 lít.
Thông thường, tỷ lệ ngâm chanh mật ong là 1 kg cho 1 lít mật ong. Tùy vào chanh nhỏ hay to mà lượng mật ong có thể thay đổi thêm hoặc bớt để chanh ngập trong mật ong.
Tiến hành:
Bước 1:
– Chanh rửa sạch bằng nước lạnh rồi vớt ra rổ để ráo.
Bước 2:
– Tiếp tục cho số chanh vừa rửa vào một xoong hoặc chậu sạch rồi dội một lượt nước sôi hẩm lên chanh, làm cách này vỏ chanh sẽ bớt đắng.
– Ngâm một lúc cho chanh sạch rồi mới vớt ra cho ráo nước.
Sở dĩ phải cẩn thận như vậy là để đảm bảo chanh được khử trùng tốt, khi ngâm sẽ không bị nổi váng.
– Chờ chanh ráo nước thì dùng dao sắc cắt chanh thành từng lát tròn mỏng. Bạn nên bỏ đi phần hạt chanh, bởi hạt chanh cũng dễ gây đắng.
Bước 3:
– Để tránh cho hũ chanh mật ong bị hư hỏng thì đầu tiên là bạn phải khử trùng chai lọ hay hũ đựng thật tốt.
Bạn có thể rửa sạch hũ đựng, rồi lau khô bằng khăn sạch. Sau đó dùng máy sấy sấy cho bên trong hũ thật khô rồi mới bắt đầu ngâm chanh và mật ong.
Bước 4:
– Bạn đổ đều một lớp mật ong xuống đáy bình.
– Xếp một lớp chanh thái lát phủ kín đáy bình. Sau đó, tiếp tục lần lượt với một lớp mật ong, lớp chanh cho đến khi đầy bình.
– Sau đó, bạn có thể thả một ít lá bạc hà, đinh hương hoặc quế vào bình.
Lưu ý: Phần mật ong chỉ xăm xắp với phần quả là được.
– Dùng nắp đậy kín, bảo quản ở nơi khô mát hoặc trong tủ lạnh, vài ba ngày sau là dùng được.
Mật ong có tính kháng khuẩn, chứa chất chống oxy hóa và có thể chống lại vi khuẩn. Nếu kết hợp với các chất dinh dưỡng trong chanh, các loại thảo mộc và gia vị tự nhiên sẽ giúp bạn có được một hũ chanh ngâm mật ong thơm ngon, lại vừa trị được chứng cảm lạnh và cúm thường xuất hiện vào mùa đông.
Hỗn hợp chanh mật ong có thể được uống trực tiếp hoặc bạn cũng có thể pha loãng với nước nóng. Hơi nước và sự ấm áp của dung dịch sẽ giúp làm dịu cổ họng và giảm nghẹt mũi. Ngoài ra, nếu bạn uống đều đặn vào mỗi ngày, nước chanh mật ong còn giúp bạn có được một sức khỏe ổn định và làn da đẹp như mong muốn.