Tiết tháo là quan niệm làm người, là sự tu dưỡng đạo đức và nhân cách cao thượng mà cổ nhân xưa nay vô cùng coi trọng. Biểu hiện của tiết tháo chính là việc kiên trì duy hộ chân lý và chính nghĩa, là tinh thần kiên trì nỗ lực và ngay thẳng trong mọi hoàn cảnh.
Tiết tháo của bậc chính nhân quân tử
Niềm tin chính là cội nguồn của tiết tháo, là sự theo đuổi lý niệm của đời người. Kiên định tín ngưỡng vào chân lý và tiết tháo cao thượng cũng là giá trị quan của xã hội, trở thành tiêu chuẩn đo lường cách đối nhân xử thế của con người.
Mạnh Tử quan niệm rằng: “Ngô thiện dưỡng ngô hạo nhiên chi khí”, người quân tử phải biết tu dưỡng tiết tháo của mình, thực hành đạo nghĩa, duy hộ đạo nghĩa, bất cứ khi nào cũng đều bảo toàn đức hạnh của mình, không mất đi khí tiết.
Khi Mạnh Tử du thuyết các nước, ông không hề tự ti hay kiêu ngạo trong khi giao thiệp với các bậc chư hầu, vương công, mà vô cùng coi trọng việc giữ gìn nguyên tắc. Khi người khác hỏi ông vì sao lại dũng cảm và can đảm như vậy, ông đáp: “Người có phú quý của người, ta có lòng nhân của ta, người có tước vị của người, ta có đạo nghĩa của ta, hà tất phải khiếp sợ!”
Ông chỉ ra rằng dẫu thuận thời hay gặp khi nghịch cảnh cũng đều phải giữ gìn nguyên tắc đạo đức trong tâm, làm được việc “Ngẩng đầu không hổ thẹn với trời, cúi đầu không tủi thẹn với người”.
Mạnh Tử nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, không bị cám dỗ bởi phú quý, không bị nghèo túng làm thay đổi, không bị khuất phục bởi quyền uy. Tiêu chuẩn này đã trở thành thước đo lương tri trong tâm của những bậc chính nhân quân tử.
Khổng Tử từng nói: “Người không có chí lớn chỉ có thể nhìn trước mắt, những điều mình không thấy thì không tin. Với những người dám đảm đương trọng trách, họ sẽ không thay đổi tiết tháo trước áp lực bên ngoài. Vì trong tâm họ có đạo, nên có thể nhìn xa trông rộng, trí huệ uyên thâm, biến nghịch cảnh thành thuận cảnh.”
Khổng Tử cũng nói: “Tận nhân sự nhi thính thiên mệnh”, nỗ lực hết mình, nhưng không truy cầu kết quả mà vâng theo thiên mệnh. Ông cho rằng ý chí của người quân tử không chỉ nằm ở lòng dũng cảm không sợ hãi, mà là tâm thái cương nghị dám đảm đương trọng trách. Người quân tử “có thể phó thác ấu chúa, cũng có thể phó thác việc triều chính quốc gia cho họ, khi đối mặt với lúc nguy nan sinh tử, tồn vong họ vẫn không lay động, khuất phục”.
Trong bất kể thời đại nào cũng đều có những người mang phong thái, cốt cách như vậy. Họ là rường cột của dân tộc, là báu vật của quốc gia, họ coi nhẹ danh lợi, ý chí cao xa, là tấm gương cho hậu thế.
Tô Vũ thời Hán, phụng mệnh mang theo phù tiết đi sứ Hung Nô với chức danh Trung Lang. Thủ lĩnh Hung Nô nhiều lần dùng lợi dụ dỗ, muốn ông quy hàng. Trước tiên y dùng phú quý, quan tước mê hoặc ông, Tô Vũ đều chính trực từ chối theo chính nghĩa, tôn nghiêm. Sau này y lại mưu đồ huỷ hoại ý chí ông bằng cuộc sống gian nan, khốn khó. Y đưa ông tới vùng Bắc Hải chăn dê, và ngạo nghễ nói rằng khi nào dê đực sinh con thì mới thả ông về nước.
Tô Vũ không khuất phục trước quyền uy, lòng dạ không lay chuyển bởi cảnh nghèo khó. Khát thì ông uống tuyết, đói thì ông đào cây dại ăn. Vật duy nhất bất ly thân mỗi thời mỗi khắc với ông chính là chiếc cờ hiệu “Tinh tiết” mà ông mang theo khi đi sứ. Ban ngày ông cầm tinh tiết đi chăn dê, ban đêm ông ôm tinh tiết ngủ. Trong tâm ông, cờ hiệu tinh tiết ấy tượng trưng cho đất nước, ông phải duy hộ sự tôn nghiêm của đất nước, thời thời khắc khắc cũng không được quên thân phận sứ giả của mình.
Tô Vũ bị bắt giữ tại Hung Nô 19 năm, trải qua biết bao gian khó, nhưng trước sau tiết tháo của ông vẫn không thay đổi. Cuối cùng ông cũng về được đến Trường An.
Ngày Tô Vũ bước vào Trường An, bách tính trong thành Trường An đều ra nghênh đón. Mọi người nhìn thấy râu tóc Tô Vũ đều bạc phơ, nhưng trong tay vẫn trang trọng nắm chặt cờ hiệu tinh tiết đã nhẵn bóng do lâu ngày. Ai nấy đều cảm động rơi nước mắt.
Bởi thế, người xưa vẫn luôn kính ngưỡng bậc quân tử, những người có thể trừ ác, duy hộ chính nghĩa, tế thế an dân, tôn vinh luân lý đạo đức và là tiêu chuẩn cho người người noi theo. Họ là người thực thi đạo nghĩa trong thực tế và là tấm gương điển hình về việc ước thúc bản thân, là sức mạnh đảm đương trọng trách giáo hoá xã hội. Dẫu vật đổi sao dời nhưng tiết tháo của người quân tử không hề thay đổi.
Thiên Cầm