Choline là chất dinh dưỡng được phát hiện vào năm 1998, mặc dù được cơ thể tự sản xuất nhưng so với nhu cầu của cơ thể là không đủ nên việc bổ sung choline từ chế độ ăn hàng ngày là rất quan trọng. Việc thiếu hụt choline có thể gây nên những tác hại trực tiếp đến sức khỏe của con người.
1. Choline là gì?
Choline là một hợp chất hữu cơ tan trong nước, dù không phải vitamin hay khoáng chất nhưng thường được xếp cùng với các vitamin B vì có những cấu trúc và chức năng tương tự nhau.
Choline là dưỡng chất thiết yếu cho các hoạt động chức năng bình thường của cơ thể như chức năng gan, phát triển não bộ, cử động cơ, trao đổi chất và các hoạt động của hệ thần kinh trung ương.
2. Tác dụng của choline đối với cơ thể
Các chức năng của choline trong cơ thể có thể kể đến như:
- Chức năng cấu tạo tế bào: choline sẽ tham gia tạo nên chất béo và hỗ trợ sự toàn vẹn cấu trúc màng tế bào
- Gửi tín hiệu đến các tế bào: choline tham gia vào sản xuất ra các chất có tác dụng kích hoạt các tín hiệu gửi đến các tế bào
- Vận chuyển và chuyển hóa chất béo: quá trình vận chuyển cholesterol từ gan cần có choline để tạo ra các chất trung gian cần thiết, việc thiếu choline có thể dẫn tới mỡ và cholesterol tích tụ trong gan
- Tổng hợp DNA: Choline và các loại vitamin B12, folate hỗ trợ một phần rất quan trọng trong quá trình tổng hợp DNA
- Tham gia vào hệ thần kinh trung ương: Choline rất cần thiết để tạo ra Acetylcholine – chất dẫn truyền thần kinh quan trọng dùng cho các hoạt động ghi nhớ, cử động cơ, điều hòa nhịp tim và hoạt động cơ bản khác của cơ thể
Đặc biệt phải chú ý đến vai trò của choline cho trẻ em khi trí nhớ được tạo thành từ hoạt động của hơn 1 tỷ tế bào thần kinh kết nối với nhau nhờ các dẫn truyền thần kinh mà quan trọng nhất là Acetylcholin.
Để tổng hợp Acetylcholin thì cần có sự tham gia của choline do đó choline có tác dụng tăng cường chức năng dẫn truyền thần kinh. Hơn nữa, choline là nguồn cung cấp gốc methyl để tạo lipoprotein – chất dẫn truyền thần kinh quan trọng liên quan đến trung tâm lưu trữ thông tin và kiểm soát cơ. Với những vai trò trên thì việc thiếu hụt choline sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng của trẻ.
Choline cũng đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai vì lượng choline thấp có thể làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh của trẻ. Ngoài ra choline thấp còn liên quan đến các biến chứng khác trong thai kỳ như tiền sản giật, sinh non và sinh nhẹ cân.
3. Nhu cầu Choline của cơ thể theo độ tuổi
Như đã đề cập, việc bổ sung choline từ chế độ ăn hàng ngày rất quan trọng để duy trì lượng choline đầy đủ cho cơ thể. Khuyến nghị lượng choline đủ cho từng nhóm tuổi như sau:
- Dưới 1 tuổi: 125- 150 mg/ ngày
- 1-3 tuổi: 200 mg/ ngày
- 4-8 tuổi: 250 mg/ ngày
- 9-13 tuổi: 375 mg/ ngày
- 14-18 tuổi: 400 mg/ ngày (nữ) và 550 mg/ ngày (nam)
- Phụ nữ mang thai: 450 mg/ngày
- Phụ nữ đang cho con bú: 450 mg/ ngày
4. Những đối tượng có nguy cơ thiếu choline
Tình trạng thiếu choline khá hiếm gặp, thường thấy ở một số nhóm đối tượng nhất định gồm:
- Vận động viên chạy đường dài
- Người sử dụng rượu bia
- Phụ nữ mãn kinh: vì hormone estrogen hỗ trợ sản xuất choline trong cơ thể giảm xuống khiến nguy cơ thiếu choline tăng lên
- Phụ nữ mang thai: nhu cầu choline trong thai kỳ tăng cao khiến nhóm này dễ có nguy cơ thiếu hụt choline
Những nguồn thực phẩm giàu choline có thể sử dụng để bổ sung choline hàng ngày gồm có gan, trứng cá, đậu nành, bông cải trắng và bông cải xanh.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.