Quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể
Khi bạn uống rượu, rượu sẽ được hấp thụ vào cơ thể thông qua hệ tiêu hóa. Rượu phần lớn sẽ được hấp thụ tại tá tràng và đoạn hỗng tràng của ruột non. Việc hấp thụ nhanh hay chậm phụ thuộc vào tình trạng thức ăn có trong dạ dày. Nếu bạn uống rượu khi no thì rượu sẽ được hấp thụ chậm hơn. Bởi vậy khi uống rượu, để giữ cơ thể tỉnh táo và lâu say hơn, bạn nên ăn một chút đồ ăn, tốt nhất là những đồ ăn có chứa nhiều protein.
Sau khi xuống dạ dày, rượu sẽ qua niêm mạc dạ dày để thêm vào máu
Sau khi xuống dạ dày, rượu sẽ qua niêm mạc dạ dày để thêm vào máu. Theo thống kê, sau khi rượu xuống đến dạ dày thì khoảng hơn 20% lượng rượu sẽ được hấp thụ tại đáy dạ dày và thấm vào máu. Rồi từ máu rượu sẽ được đưa đến các cơ quan trong cơ thể.
Trong vòng vài phút kể từ khi uống, rượu sẽ ảnh hưởng đến não, do tác động của rượu với một chất là dopamine sẽ khiến bạn cảm thấy kích thích, hưng phấn. Tuy nhiên, theo thời gian sẽ khiến bạn không kiểm soát được cảm xúc và hành động, khiến bạn có nhiều hành động quá lố.
Rượu không giống các chất khác, nó không phải là một chất dinh dưỡng nên sẽ không được lưu trữ trong cơ thể. Bởi vậy, khi vào cơ thể và thấm vào máu, rượu sẽ được ưu tiên chuyển hóa trước. Cơ quan có chức năng chuyển hóa rượu trong cơ thể là gan. Từ đây, rượu sẽ được chuyển hóa và đào thải ra khỏi cơ thể.
Gan chuyển hóa rượu như thế nào?
Là một bộ phận có chức năng giải độc, gan là một bộ phận vô cùng quan trọng trong cơ thể. Khi rượu chuyển hóa trong cơ thể, một phần nhỏ được thải ra qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa ở gan.
Khi đến gan, rượu sẽ được chuyển hóa bởi hệ thống enzyme ADH. Các enzyme ADH biến đổi ethanol trong rượu tạo thành acetaldehyde. Đây là chất gây độc lên hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể. Tiếp theo, gan sẽ chuyển hóa acetaldehyde thành acetate nhờ enzyme ALDH và glutathione. Acetate là chất ít độc hơn và được các tế bào trong cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2. Từ đó có thể thấy khả năng giải độc của gan phụ thuộc vào lượng enzyme và chất chống oxy hóa Glutathione do gan tiết ra. Song khả năng của gan chỉ có hạn, nó chỉ có thể sản sinh ra một lượng enzyme nhất định mỗi giờ, tương ứng với một lượng acetaldehyde nhất định được chuyển hóa.
Bởi vậy, khi uống rượu vượt quá khả năng đào thải của gan thì cực kỳ nguy hiểm. Khi đó, gan không kịp sản xuất đủ số lượng men để chuyển hóa Acetaldehyde, Acetaldehyde ứ đọng trong cơ thể, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe như các triệu chứng say rượu (buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi…) các bệnh lý như rối loạn tâm thần – hành vi (nói mất kiểm soát, run rẩy chân tay…), thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày, tim mạch. Đặc biệt còn gây phá hủy tế bào gan, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh về gan mà điển hình là: gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và xơ gan do rượu.
Khi uống rượu vượt quá khả năng đào thải của gan thì cực kỳ nguy hiểm
Cách bảo vệ cơ thể khi uống rượu bia
Rượu tác động trực tiếp và rất mạnh đến cơ thể. Gan không thể chuyển hóa hoàn toàn rượu, khi đó không chỉ gây nguy hiểm với gan mà còn ảnh hưởng tới những bộ phận quan trọng khác trong cơ thể như não, phổi, tim mạch, …
Bởi vậy, bạn cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân khi uống rượu bia. Đây là một số lời khuyên của chúng tôi:
- Hạn chế uống nhiều rượu, hạn chế uống các loại rượu mạnh, không nên cố quá.
- Hãy ăn một chút thức ăn trước khi uống rượu. Bạn có thể dùng các loại thực phẩm giàu protein ( trứng, thịt, …), đồ ăn có chứa dầu mỡ, rau xanh, khoai tây, … là những thực phẩm rất tốt, làm chậm quá trình hấp thụ rượu, giữ cho cơ thể tỉnh táo, lâu say hơn và giảm sự khó chịu cho cơ thể sau khi uống rượu.
- Luyện tập thể dục, sống lành mạnh, tạo một chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe từ bên trong, giúp cơ thể tăng cường khả năng đào thải độc tố và khỏe mạnh hơn.