1. Đặc điểm của Chè dây
Chè dây là loại cây leo. Thân và cành cứng, hình trụ, có lông nhỏ. Tua cuốn chẻ đôi, mọc đối diện với lá.
Lá kép lông chim, mọc so le, có 7 – 13 lá chét có cuống, hình trái xoan, dài 2.5 – 7.5 cm, gốc tròn, nhọn, mép có ít răng cưa, nhẵn mặt; trên lá khi khô có những vệt trắng loang lổ như bị nấm mốc, mặt dưới rất nhạt.
Cụm hoa mọc đối diện với lá, phân nhiều nhánh, rộng 3 – 6cm, hoa nhiều màu trắng; hình chén có lông mịn. Quả mọng khi chín có màu đen.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.
Cây dễ nhầm lẫn: Dây chè (Cây rúc rác, Cúc bạc đầu nhỏ – Vernonia andersonii C.B. Clarke ) thuộc họ Cúc. Thân và rễ dây chè có chất độc.
2. Phân bố sinh thái
Chè dây phân bố nhiều ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai. Sau đó được phát hiện thêm ở nhiều điểm như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh (Hà Giang); Hương Khê (Hà Tĩnh)… Trong số các điểm phân bố trên, có lẽ Đồng Văn và Yên Minh là nơi có chè dây mọc tập trung nhất. Trữ lượng hiện có ước tính tới vài trăm tấn.
Độ cao phân bố từ 600 đến 1600m. Cây tỏ ra thích nghi với vùng á nhiệt đới núi cao, như Hà Giang, Lào Cai… Mùa ra chồi và sinh trưởng mạnh trùng với mùa mưa ẩm.
Cây có khả năng tái sinh chồi mạnh sau khi bị cắt cành. Hiện nay, nạn phá rừng làm nương rẫy vẫn là nguy cơ chủ yếu làm thu hẹp vùng phân bố tự nhiên của chè dây ở Việt Nam.
Trồng được bằng cách gieo hạt và các cây non thu thập trong tự nhiên.
Bộ phận dùng: toàn thân, lá cành của cây chè dây, thu hái vào lúc cây chưa ra hoa, cắt nhỏ, phơi khô.
4. Thành phần hóa học
Chè dây chứa flavonoid, tanin, glucose. Rễ chứa ampelopsin và myricetin.
Theo các nghiên cứu của Phạm Thanh Kỳ và cộng sự, hàm lượng flavonoid toàn phần là 18.15%. Flavonoid tồn tại dưới 2 dạng aglycon và glycosid. Hỗn hợp flvonoid chứa 2 chất myricetin 5.32% và 2,3 – dihydromyricetin 53.83%.
5. Tác dụng của chè dây theo Y học hiện đại
Tác dụng chống loét dạ dày
Thí nghiệm gây loét dạ dày bằng mô hình Shay trên chuột cống trắng. Flavonoid toàn phần uống với liều 1 g/kg/ngày trong 4 ngày trước khi thắt môn vị. Kết quả chỉ số loét ở lô chứng là 7,1; lô thuốc là 2,66; loét giảm 62.5%, thể tích dịch vị lô thuốc giảm 24.4%, độ acid tự do giảm 26.4%, độ acid toàn phần giảm 21.5%
Tác dụng giảm đau, kháng viêm
Gây đau bằng dung dịch acid acetic 0.1% trên chuột nhắt trắng. Liều flavonoid toàn phần tiêm dưới da là 1 g/kg. Kết quả số cơn quặn đau tính cho từng 5 phút một ở lô thuốc giảm 50 – 80% so với lô chứng.
Nhiều hợp chất được chiết suất từ lá cây Chè dây cho thấy hiệu quả kháng viêm đáng kể.
Tác dụng kháng khuẩn
Dùng phương pháp đục lỗ trên môi trường thạch với 2 nồng độ 0.5% và 1% flavonoid toàn phần. Kết quả thuốc có tác dụng trung bình trên vi khuẩn Bacillus subtilis; có tác dụng yếu trên Staphylococcus aureus, Escherichia coli và không có tác dụng trên Shigella.
Tác dụng chống oxy hóa
Đã thử cao khô toàn phần chè dây và 2 flvonoid là myricetin và dyhydromyricetin, cả 3 chế phẩm đều có tác dụng chống oxy hóa khá trên chuột nhắt trắng.
Độc tính
Độc tính cấp:
Dược liệu được chiết bằng cách sắc rồi cô đến tỷ lệ thích hợp, cho 10 chuột nhắt trắng uống với liều tính ra dược liệu khô là 500 g/kg, chuột không chết, chứng tỏ thuốc có độc tính rất thấp.
Độc tính bán trường diễn
Cho thỏ uống flavonoid toàn phần liều 1g/kg/ngày, liên tục 30 ngày. Không thấy có biểu hiện nhiễm độc về mặt sinh hóa, huyết học và bệnh lý giải phẫu.
6. Tác dụng của chè dây theo Y học cổ truyền
Dược liệu có vị ngọt, nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm đau, chống viêm.
- Công dụng: Tiêu viêm, giải độc, thanh thử nhiệt.
- Chủ trị: Mụn nhọt, tê thấp, nhũ ung, vị thống, giúp chữa viêm loét dạ dày tá tràng, cảm mạo phong nhiệt, viêm kết mạc, viêm họng.
7. Chè dây chữa bệnh gì
Thân và lá được dùng nấu nước uống thay chè. Viện Y học cổ truyền chiết ra dạng cao khô dùng chữa loét dạ dày tá tràng.
Ở Trung quốc dùng chè dây chữa viêm kết mạc cấp tính, viêm gan, cảm mạo, viêm họng, mụn nhọt. Dùng toàn cây ngày 15 – 60g sắc uống. Dùng ngoài, lấy cây tươi, đun sôi, xông chữa viêm kết mạc cấp.
8. Những đối tượng nên sử dụng chè dây
Với các tác dụng mà chè dây đem lại, các đối tượng sau nên sử dụng loại dược liệu này để đóng góp vào việc cải thiện các tình trạng sức khỏe. Theo đó, đó là những người:
– Gặp các triệu chứng ợ chua, ợ hơi một cách thường xuyên.
– Bị trào ngược dạ dày.
– Phải đối diện với các vấn đề bệnh lý liên quan như viêm loét dạ dày, hành tá tràng hay bị nhiễm khuẩn HP.
9. Bài thuốc từ cây Chè dây
Chè dây chữa đau dạ dày
Theo kinh nghiệm của đồng bào Tày, hằng ngày, lấy 30 – 50g dược liệu, hãm hoặc sắc uống làm nhiều lần. Một đợt điều trị dùng liên tục từ 15 – 30 ngày.
Trường Đại học Dược Hà Nội đã thành công điều chế ra chế phẩm Ampelop chứa 50% flavonoid từ chè dây.
Chè dây chữa tê thấp đau nhức
Lá tươi giã nát, hơ nóng, gói vào vải sạch, đắp vào chỗ đau nhức.
Chè dây phòng bệnh sốt rét
Chè dây 60g, lá hồng bì 60g, rễ cỏ xước lá đại bi, lá tía tô, lá hoặc vỏ cây vối, rễ xoan rừng mỗi thứ 12g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100ml uống trong ngày. Cứ 3 ngày dùng một thang.
Chè dây chữa viêm dạ dày tá tràng:
Chuẩn bị 10-15g lá chè dây khô hoặc sao vàng. Cho dược liệu vào ấm trà rồi cho vào 1 lít nước sôi, lắc nhẹ và đổ nước này đi. Sau đó cho thêm 100ml nước sôi vào hãm trà trong khoảng 15 phút. Nên dùng trà khi còn ấm, uống liên tục trong khoảng 15-20 ngày cho mỗi lần điều trị
Chè dây chữa đau nhức, tê thấp:
Dùng 1 lượng vừa đủ lá chè dây tươi đem giã nát rồi hơ trên lửa nóng. Gói lá thuốc vào một miếng vải mỏng và đắp trực tiếp lên khu vực đau nhức
Bài thuốc phòng bệnh sốt rét:
Chuẩn bị 60g chè gây, 12g rễ cỏ xước, 60g lá hồng bì, 12g lá đại bì, 12g tía tô, 12g lá hoặc vỏ cây vối, 12g rễ xoan rừng. Đem tất cả các vị thuốc thái nhỏ rồi phơi khô. Sau đó cho hết vào ấm, sắc thuốc trên lửa nhỏ cùng 400ml nước cho đến kho còn khoảng 100ml là có thể dùng. Uống thuốc khi còn ấm. Chỉ nên dùng 3 ngày 1 thang vì thuốc có mục đích hỗ trợ phòng bệnh.
Chè dây chữa cảm mạo, hầu họng sưng đau:
Cho 15-60g chè dây vào ấm sắc cùng nửa thăng nước trên lửa nhỏ trong 15 phút. Chia thuốc thành nhiều lần uống trong ngày, nên dùng khi ấm với liều lượng ngày 1 thang
Chè dây chữa trúng độc thực vật do vi khuẩn:
Lấy 50g rễ chè dây tươi và 15g gừng cho vào ấm, sẵ với 2 chén nước trên lửa nhỏ cho đến khi còn 1 chén. Uống thuốc khi còn ấm, dùng ngày 1 thang. Trẻ em, người gia hoặc bệnh nhẹ nên giảm liều lượng xuống.
Chè dây chữa áp xe:
15g chè dây cho vào nồi cùng với nửa rượu nửa nước, sẵ trên nửa nhỏ lấy thuốc uống. Hoặc có thể cho thêm thịt heo vào hầm rồi ăn khi còn nóng.
Chè dây chữa đau dây thần kinh tọa:
Lấy 15-30g rễ hoặc thân chè dây, cho vào ấm sắc với nước để uống, ngày dùng 1 thang. Kết hợp dùng lá chè dây tươi giã nát, sao nóng rồi đắp lên vùng đau nhức để tăng hiệu quả điều trị.
10. Nghiên cứu khoa học về tác dụng Chè dây trong điều trị Loét hành tá tràng
Nghiên cứu tiến hành trên 80 bệnh nhân được chẩn đoán Loét hành tá tràng. Trong đó, được chia làm 2 nhóm: Nhóm Chè dây: 44 bệnh nhân; nhóm Alusi: 36 bệnh nhân. Kết quả sau 6 tuần điều trị liên tục ghi nhận:
Tác dụng giảm đau
Chè dây có tác dụng cắt cơn đau do loét dạ dày – hành tá tràng 93.4% cao hơn Alusi 89%. Thời gian cắt cơn đau trung bình của Chè dây là 8.9 ngày, ngắn hơn Alusi là 17.35 ngày một cách có ý nghĩa.
Tác dụng chống viêm
Chè dây có tác dụng làm giảm viêm niêm mạc dạ dày tốt hơn Alusi.
Làm liền ổ loét
Chè dây có tác dụng làm liền ổ sẹo loét hành tá tràng 79.55%, cao hơn Alusi 50%.
Làm sạch Helicobacter pylori
Bài viết trên đây đã cung cấp cái nhìn tổng quan về công dụng và cách dùng của Chè dây, dược liệu quý hiện đang được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở thử nghiệm. Quý độc giả trước khi sử dụng thảo dược cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên môn để mang lại hiệu quả tốt nhất.
11. Những lưu ý khi sử dụng cây chè dây để chữa bệnh
Mặc dù có nguồn gốc từ thiên nhiên với nhiều tác dụng hữu ích, nếu bạn có ý định chữa bệnh với việc dùng chè dây thì cũng cần quan tâm đến các vấn đề bao gồm:
– Biết cách sử dụng đúng, tránh dùng với một liều lượng vượt quá 70g mỗi ngày.
– Không dùng nước sắc loại dược liệu này khi đã để qua đêm để hạn chế bị đầy bụng, tiêu chảy.
– Các trường hợp bị huyết áp thấp nên tránh sử dụng chè dây, đặc biệt là trong thời điểm vào lúc đói.
– Sử dụng sản phẩm dược liệu đảm bảo về nguồn gốc và độ an toàn đến từ các địa chỉ uy tín cao.
– Không nên tự ý sử dụng hoặc áp dụng theo các bài thuốc kinh nghiệm dân gian được chia sẻ nếu chưa hiểu rõ lợi và hại của chúng hoặc khi bác sĩ chưa đưa ra chỉ định. Thay vào đó, nếu muốn sử dụng, hãy tham vấn lời khuyên của bác sĩ để nắm được chính xác tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như biết được mình có nên dùng loại dược liệu đó hay không.