Chế biến món ăn lợi sữa từ chân giò heo

Trong dân gian, cho sản phụ ăn móng giò sau khi sinh nở sẽ giúp sản phụ sớm có sữa cho con bú. Nhưng cách chế biến móng giò heo ra sao để phát huy hết được tác dụng thì không phải ai cũng biết.

Chế biến món ăn lợi sữa từ chân giò heo
Theo kinh nghiệm dân gian, các món ăn được chế biến từ giò heo giúp phụ nữ mới sinh sớm có sữa

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, móng giò lợn ngọt mặn, tính bình; có công dụng bổ huyết, thông sữa, thường được dùng chữa các chứng bệnh như sản phụ khí huyết suy nhược, thiếu sữa hoặc mất sữa, ung thũng, nhọt độc.

Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ cho rằng móng giò có khả năng tăng thận tinh nên làm khỏe lưng và chân, bổ vị dịch nên làm sáng da, mạnh cơ nên chữa được bệnh trĩ, trợ huyết mạch nên làm tăng lượng sữa, so với thịt còn bổ hơn nhiều.

Theo dinh dưỡng học hiện đại, móng giò lợn khá giàu chất dinh dưỡng, ngoài đạm và chất béo còn có nhiều canxi, phốt pho, sắt, magiê, mangan, kẽm, các vitamin B, A. Ngoài ra, móng giò còn có systine, myoglobin và là nguồn cung cấp collagen rất tốt. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng: người già và người gầy yếu nếu thường xuyên ăn móng giò sẽ cải thiện được chức năng tích nước kém của các tế bào mô, thúc đẩy quá trình tạo hemoglobin và hồng cầu.

Những món ăn lợi sữa từ chân giò

Món ăn 1:

Nguyên liệu:

  • Móng giò 2 cái (chừng 600 g)
  • Đương quy 30 g,
  • Nước sạch 1.000 ml.

Cách chế biến : Móng giò làm sạch, chặt miếng, chần qua nước sôi rồi đem hầm kỹ với đương quy, khi nhừ chế đủ gia vị, ăn nóng.

Món ăn 2:

Nguyên liệu:

  • Móng giò 2 cái
  • Đậu tương 100 g
  • Nước sạch 1.500 ml
  • Hành 50 g
  • Gừng tươi 10 g
  • Gia vị vừa đủ.

Cách chế biến: Móng giò làm sạch, chặt miếng, chần qua nước sôi; đậu tương đãi sạch. Hai thứ cho vào nồi hầm kỹ, khi nhừ chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Món ăn 3:

Nguyên liệu:

  • Móng giò 2 cái
  • Lạc nhân 200g
  • Gừng 10g
  • Hành 50g
  • Muối 5g
  • Rượu trắng 2 thìa canh,
  • Nước sạch 1.500 ml.

Cách chế biến: Móng giò làm sạch, chặt miếng, cho vào nồi hầm thật nhừ cùng với lạc nhân, khi được chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Món ăn 4:

Nguyên liệu:

  • Móng giò 2 cái
  • Hoàng kỳ 18g
  • Đương quy 10g
  • Xuyên sơn giáp 8g
  • Thông thảo 6g

Cách chế biến: Sắc kỹ hoàng kỳ, đương quy, xuyên sơn giáp và thông thảo lấy nước bỏ bã rồi cho móng giò vào hầm thật nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng. Dùng thích hợp cho phụ nữ sau khi sinh con thiếu sữa, sữa loãng, thiếu máu, da khô, chán ăn, đại tiện lỏng nát.

Ngoài ra, với chân giò heo bạn có thể chế biến thành nhiều món cũng có công dụng lợi sữa cho sản phụ như đu đủ hầm giò heo, canh mướp nấu chân giò heo, quả sung nấu với chân giò heo…

Chống nếp nhăn : Móng giò 2 cái, lạc nhân 100 g, đại táo 10 quả, nước sạch 1.000 ml. Ngâm đại táo và lạc nhân trong nước chừng nửa giờ rồi vớt ra; chân giò làm sạch, chặt miếng. Tất cả cho vào nồi hầm thật nhừ, khi được chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Bổ khí ích huyết, hoạt huyết, phòng chống nếp nhăn trên da mặt.

An thần, chữa động kinh : Móng giò 2 cái, tim lợn 1 quả, địa du tươi 30 g. Móng giò làm sạch, chặt miếng, chần qua nước sôi; tim lợn rửa sạch, thái miếng. Tất cả đem hầm thật nhừ trong lửa nhỏ, khi được chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Bổ khí, dưỡng huyết, an thần, thường dùng để chữa bệnh động kinh.

Chữa lở loét: Lấy một bộ móng lợn, thêm hành tươi nấu kỹ, vớt bỏ bọt, cho thêm một chút muối rồi lấy nước đó rửa các vết thương bị nhiễm khuẩn, lở loét, sưng đau.